Làm người, chúng ta không chỉ tìm kiếm giải pháp, mà chúng ta còn cảm thấy xứng đáng cương quyết tìm giải pháp. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ không xứng đáng cương quyết tìm giải pháp mà chúng ta còn phải chịu khổ từ lòng cương quyết đó. Chúng ta xứng đáng với một điều cao quý hơn lòng cương quyết đó, điều đó là quyền ban sơ của mình, đó là trí tuệ, là một trạng thái tâm rộng mở, có thể buông xả với mọi nghịch lý và mơ hồ.
Trí tuệ là sự thể hiện vô tư không lọc lựa với tai rộng mở, mắt rộng mở, lòng rộng mở vốn có trong tất cả chúng sinh. Đó là một quy trình nhu nhuyến, chứ không phải cái gì đó rõ ràng và cụ thể để ta có thể tóm tắt hay đo lường được.
Trí tuệ bát-nhã-ba-la-mật là kinh nghiệm của con người. Điều này không nhứt thiết phải được gọi là tâm yên tĩnh hay tâm bối rối, mà là một trạng thái tâm sáng suốt căn bản, cởi mở, quán chiếu và không thiên vị. Dù tâm đó biểu hiện trong hình thức hiếu kỳ, hoang mang, bị sốc hay thư giãn, đây không phải là vấn đề. Vấn đề ở chỗ chúng ta thực hành trong mọi tình huống. Chúng ta luyện tập khi chúng ta mất cảnh giác và khi cuộc sống của mình bị mất tự chủ.
Thiền cho chúng ta con đường để rèn luyện trí tuệ – sống cởi mở ngay tại chỗ - ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta thực tập, như lời Trungpa Rinpoche, “đừng ngại cho là dại”. Chúng ta nuôi dưỡng mối quan hệ trực tiếp với cuộc sống một cách đơn giản mà không áp đặt triết lý hay luân lý vào, và không phê phán. Bất cứ điều gì khởi lên trong tâm đều khả thi.
Ví như việc nằm trên giường trước khi bình minh lên và lắng nghe tiếng mưa rơi trên mái nhà. Âm thanh đơn giản này có thể làm cho ta cảm thấy thất vọng bởi vì chúng ta đã có một kế hoạch đi dã ngoại. Có thể ta vui sướng khi khu vườn của chúng ta đang khô ráo. Nhưng một tâm hồn uyển chuyển có trí tuệ thì không vẽ nên cái kết luận xấu hay tốt gì cả. Tâm ấy chỉ ghi nhận âm thanh mà không thêm vào bất cứ điều gì khác, không có bất kỳ phán quyết vui hay buồn gì cả.
Pema Chodron
Thuỷ Dung dịch