Nghịch lý thiết yếu

Trong Tâm Kinh, một trong những đệ tử lớn của Đức Phật, tôn giả Shariputra (Xá Lợi Phất), hỏi ngài Quán Thế Âm - vị bồ-tát hiện thân của lòng từ bi - rằng: "Trong cuộc sống, làm thế nào để áp dụng trí tuệ Ba-la-mật vào lời nói, hành động và suy nghĩ của mình? Đâu là chìa khóa để rèn luyện? Và tôi phải nhận thức như thế nào?"
Lời đáp của Bồ-tát Quán Thế Âm trở thành câu trả lời nổi tiếng nhất của Phật giáo về nghịch lý: "Sắc tức là không, không tức là sắc. Không chẳng khác sắc, sắc chẳng khác không. Giống như trí tuệ Ba-la-mật, lời giải thích của Bồ-tát không thể mô tả, không thể nghĩ bàn được. Sắc thì đơn giản là sắc trước khi chúng ta tạo ra niềm tin của chúng ta về sắc. Trí tuệ Ba-la-mật đưa ra một cái nhìn hoàn toàn mới, là một tâm trí không trói buột, ở đó, điều gì cũng có thể.
"Sắc tức là không" chỉ cho mối quan hệ trực tiếp và đơn giản của chúng ta với trải nghiệm hiện tiền. Trước hết, chúng ta phải gọt bỏ các định kiến và sau đó chúng ta thậm chí phải bỏ luôn cả niềm tin cho rằng chúng ta nên nhìn mọi sự vật hiện tượng với tâm không định kiến. Để chúng ta giật mình tỉnh thức, trước hết chúng ta phải hiểu được tính hoàn thiện tiềm ẩn trong mọi sự vật hiện tượng.
Nhưng "Không cũng là sắc" lại lật ngược vấn đề. Từ "không" mà biểu hiện nên chiến tranh và hòa bình, biểu hiện đau buồn, sinh, lão, bệnh, và chết, cũng như biểu hiện niềm vui. Ở đây, chúng ta buộc phải trải nghiệm chất liệu sống động của sự sống. Đó là lý do tại sao chúng ta rèn luyện tâm bồ-đề tương đối với bốn phẩm chất vô lượng và thực tập tonglen. Rèn luyện như vậy giúp chúng ta hoàn toàn dấn thân vào sự sống sinh động với một tâm trí cởi mở và thoáng đãng. Mọi việc xấu cũng như tốt, có cũng như không. Không cần phải thêm gì nữa cả.
Pema Chodron
Thuỷ Dung
dịch