Hoa trái của đời sống du phương

Hoa trái của đời sống du phương là nội dung chính của một kiệt tác văn học Phật giáo thời kỳ đầu, Samaññaphala Sutta. Hòa Thượng Minh Châu đã dịch bài kinh này với tựa là Kinh Sa Môn Quả. Chắc là khó cho chúng ta thưởng thức một lần loại hoa trái này, dù hoa trái vẽ! Thế nên, khi nào thích và rảnh, thì lướt qua thưởng ngoạn một chút là tốt nhất.

Kinh Sa-Môn Quả

(Sàmannaphala sutta)
 


1. Như vậy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Ràjagaha (Vương Xá) nơi vườn xoài của Jìvaka (Kỳ-bà) Komàrabhacca, cùng với đại chúng Tỷ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi vị. Lúc bấy giờ Ajàtasattu (A-xà-thế) con bà Vihehi (Vi-đề-hi) vua xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) nhân lễ Bố Tát vào ngày rằm tháng tư Komudi (cây súng) đang ngồi trên lầu cao trang nghiêm, chung quanh có nhiều đại thần hậu hạ. Lúc bấy giờ Ajàtasattu con bà Videhi, vua xứ Magadha, nhân ngày Bố Tát cảm hứng nói rằng: “Thật khả ái thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật diễm lệ thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật mỹ miều thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật êm dịu thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật điềm lành thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Nay chúng ta nên đến chiêm bái vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, nhờ sự chiêm bái này tâm chúng ta được tịnh tín?”. Khi nghe nói vậy, một đại thần tâu với Ajàtasattu, con bà Videhi vua nước Magadha: “Tâu Đại vương, có Pùrana Kassapa (Phú-la Ca-diếp) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Đại vương đến chiêm bái Pùrana Kassapa này. Chiêm bái Pùrana Kassapa có thể khiến tâm Đại vương được tịnh tín”. Khi nghe nói vậy Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha yên lặng không nói gì.

Giữa trời và đất

Ai đánh thức, không cho xã hội ngủ, người ấy là trí thức, bất kể họ là ai. 


Giữa trời và đất
Cao Huy Thuần

Rất khó định nghĩa thế nào là một người trí thức, nhưng bất cứ người trí thức nào cũng có lúc phải đặt câu hỏi cho chính mình: giữa những nguyên tắc trong veo mà mình nuôi dưỡng trong đầu với thực tế trái ngược mà mình phải đương đầu trước mắt, có thể nào dung hòa được không trong hành động? Gác qua một bên định nghĩa về người trí thức, hầu như ai cũng nhận rằng trăn trở về câu hỏi nói trên là một trăn trở trí thức, dù cho người đang gặp vấn đề có phải là người trí thức hay không. Giải quyết khúc mắc ấy như thế nào là tùy mỗi người, có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu câu trả lời. Lịch sử, văn chương, để lại thiếu gì câu trả lời nổi tiếng, lắm khi bằng chính thân mạng. Nhưng dù trả lời thế nào đi nữa, câu hỏi cũng gây nhức nhối tận trong xương tủy tuy bề ngoài có khi vẫn phải phơn phớt nói cười. Trí thức là người đau với câu hỏi ấy, bởi vì đó là câu hỏi bi đát trong bản chất, nhất là đối với những người trí thức “dấn thân”.
Tôi mượn dưới đây hai trường hợp, hai nhân vật, hai tác phẩm văn chương, hai tác giả lừng danh không phải chỉ trong văn học Pháp mà cả thế giới, quá quen thuộc với thế hệ chúng tôi và chắc cả bây giờ, hai trường hợp điển hình, hai thế đứng cực đoan giữa trời và đất, để nói lên một tâm sự chắc chắn không phải là riêng.
Nhân vật thứ nhất là Malraux, anh hùng của cả một thế hệ trẻ Pháp, chói sáng như một ngôi sao lịch sử của thời nội chiến Tây Ban Nha và như tác giả của quyển truyện L’espoir (Hy Vọng), nửa tiểu thuyết nửa tự truyện. Malraux là người trí thức lựa chọn đứng hai chân dính đất.