An trú trong trạng thái không lo sợ



Theo truyền thống, tại một địa điểm gọi là Linh Thứu Sơn, Đức Phật đã giảng dạy về tánh không, tâm bồ-đề tuyệt đối hay còn gọi là trí tuệ ba-la-mật (prajnaparamita), một giáo lý mang tính cách mạng về chiều kích khoáng đạt và vô trụ của cuộc tồn sinh.

Rất nhiều người học lúc đó đã ngộ ra sự thật vô thường và vô ngã, rằng không có một điều gì – bao gồm cả chính chúng ta – là chắc thật và có thể tiên đoán được. Họ hiểu rõ đau khổ, là hậu quả của tâm chấp thủ. Họ học từ chính Đức Phật; và họ trải nghiệm sâu sắc trong thiền định. Nhưng Đức Phật biết rằng khuynh hướng tìm cầu chỗ dựa vững chắc của chúng ta có gốc rễ sâu xa. Bản ngã có thể sử dụng bất cứ điều gì để duy trì ảo tưởng về an toàn, bao gồm niềm tin về tính vô ngã và vô thường.


Vì vậy Đức Phật đã dạy rất sốc. Với giáo lý về tánh không, Đức Phật đã làm cho học trò hoàn toàn bừng tỉnh, và đưa họ đến chỗ vô trụ. Đức Phật dạy rằng bất cứ điều gì họ tin tưởng đều phải được buông bỏ, trụ vào bất cứ sự mô tả thực tại nào cũng bị vướng bẫy. Thông điệp chính yếu của Đức Phật lúc đó là trụ vào bất cứ điều gì cũng che lấp trí tuệ. Mọi kết luận mà chúng ta rút ra đều phải được buông bỏ. Con đường duy nhất để hiểu được giáo pháp sâu sắc, con đường duy nhất để thực hành giáo pháp trọn vẹn là sống phóng khoáng vô điều kiện, kiên nhẫn cắt sạch các khuynh hướng chấp thủ.

Giáo pháp này – được gọi là Tâm Kinh (Heart Sutra) – là những lời dạy về vô uý - không lo sợ. Khi nào chúng ta không còn đấu tranh để kháng cự lại những gì bất định và mơ hồ, thì khi đó lo sợ cũng tan biến. Hoàn toàn không còn lo sợ nữa tức là hoàn toàn giác ngộ - đó là sự tương tác cởi mở bằng tất cả tấm lòng với thế giới này. Chúng ta đang kiên nhẫn rèn luyện để hướng tới mục đích đó. Bằng cách tập buông xả với tâm vô trụ, chúng ta dần dần kết nối với bản tâm không còn lo sợ.
Pema Chodron
Thuỷ Dung dịch