Tận tâm



Gần đây tôi dạy một chương trình cuối tuần tại một trung tâm mua sắm tâm linh có tên là Thời Đại Mới. Chương trình của tôi là một trong bảy mươi hội thảo được trình bày. Rất nhiều người ở khu vực đậu xe và khu vực ăn trưa đã hỏi nhau rằng: “Ồ, bạn mua gì cuối tuần này thế?”. Tôi đã không biết đến những chuyện như thế này lâu lắm rồi.


Có thời tôi cũng đã lội quanh "mua sắm" một con đường tâm linh cho mình. Để ngưng lại được, tôi đã phải lắng nghe thầy tôi, Chogyam Trungpa, dạy rằng tìm kiếm để "mua sắm" là một nỗ lực tìm kiếm sự an ổn, là nỗ lực tìm cách luôn luôn cảm thấy mình tốt. Bạn có thể nghe giáo lý Phật pháp ở nhiều nơi khác nhau, nhưng bạn không tận tâm với pháp bạn nghe cho đến khi bạn bắt gặp một ánh đạo làm rung động chân tâm của bạn và bạn quyết định theo con đường đó. Để đi xa hơn nữa, bạn phải tận ý tận tâm. Bạn bắt đầu hành trình của một người dấn thân khi bạn đã chọn được con đường và gắn bó với nó. Sau đó cuộc đời của bạn sẽ thay đổi theo con đường đó. Nếu không có sự tận tâm, thì ngay giây phút bạn thực sự bắt đầu bị tổn thương, bạn sẽ rời bỏ con đường đó và tìm kiếm con đường khác.

Nhưng những nghi vấn vẫn còn hoài: Chúng ta phải thực sự tận tâm với việc gì? Có phải tận tâm với việc giữ cho cuộc sống được an toàn và điều chỉnh cuộc sống của mình và phần còn lại của thế giới sao cho chúng ta luôn cảm thấy vững chắc và an toàn? Hay là tận tâm khám phá tâm buông xả sâu hơn nữa? Chúng ta chỉ quay về nương tựa vào những suy nghĩ, lời nói và việc làm khiêm tốn và vừa lòng? Hay chúng ta phải quay về nương tựa vào con đường dấn thân, bước một bước đột phá, vượt ra ngoài vùng an toàn thường ngày của mình?
Pema Chodron
Thuỷ Dung dịch