Sự thật bất tiện



Sự khác nhau giữa thuyết hữu thần và thuyết vô thần không phải là vấn đề tin hay không tin vào Thượng đế. Vấn đề này là vấn đề của tất cả mọi người, bao gồm cả người theo đạo Phật lẫn người không theo đạo Phật. Thuyết hữu thần là thuyết có niềm tin vững chắc rằng có một bàn tay nào đó cho ta nương nắm: nếu chúng ta làm điều gì đó đúng, thì sẽ có người tán thán ta và chăm sóc ta. Đó là cách nghĩ rằng luôn có một người bảo hộ sẵn sàng giúp ta khi ta cần. Tất cả chúng ta đều có xu hướng thoái bỏ trách nhiệm của mình và giao phó thẩm quyền của mình cho người khác.


Thuyết vô thần thì không quan tâm đến vấn đề mơ hồ và bất định của giây phút hiện tại và cũng không khuyên ai hướng ngoại để tìm cầu sự che chở. Thỉnh thoảng chúng ta nghĩ rằng giáo pháp nhà Phật là giáo điều ở ngoài ta – mà ta phải tin theo, phải tuân theo. Tuy nhiên, Phật pháp (dharma) không phải là niềm tin, không phải là giáo điều. Đó là sự thừa nhận tuyệt đối tính vô thường và thay đổi. Giáo pháp này sẽ phân hoá khi ta cố gắng nắm giữ lấy nó. Pháp ấy là pháp mà chúng ta cần trải nghiệm chứ không cần có hy vọng gì cả. Bao nhiêu thế hệ đã can đảm học và trải nghiệm rồi từ mẫn dạy lại cho chúng ta. Đó là bức thông điệp không lo sợ. Phật pháp không phải là tín điều mà chúng ta phải tin một cách mù quáng. Phật pháp không mang đến cho ta điều gì để bám theo cả.

Thuyết vô thần cuối cùng nhận ra rằng không có một người bảo hộ nào để bạn nương nhờ cả. Khi bạn gặp được người tốt, người tốt đó sẽ ra đi. Theo thuyết vô thần, đó không phải là chuyện chỉ có những người bảo hộ đến rồi đi. Tất cả cuộc sống là như thế. Đây là sự thật, mà sự thật thì bất tiện.
Pema Chodron
Thuỷ Dung dịch