Thương và tin mình hơn

Sau khi đăng 64 mục bài đầu tiên trên trang Thiền Quang, tôi tạm ngưng để kiểm tra và khắc phục các lỗi cần sửa và bổ sung những thông tin cần thiết trước khi giao cho người khác phụ trách.
Sau 30 ngày giới thiệu trang thông tin này cho một số bạn để chia sẻ và mong các bạn đóng góp ý tưởng và bài viết để cùng chung xây dựng trang Thiền Quang như một ngôi nhà chung, số lượt đọc bài là 2464 và số follower là 2. Con số này quá khiêm tốn, nhưng số lượt đọc đó đã thể hiện sự ủng hộ đáng trân trọng của các bạn.

Có một điều khá thú vị là, trong số 2464 lượt đọc đó, có 2 bài số lượt đọc là 0. Đó là bài Tình thương: Bài tập thiết yếu của Nữ Thiền Sư Pema Chodron và bài Câu chuyện của niềm tin của Ts. Giáp văn Dương (Nguồn: Tia sáng, TQ đăng lại). Chợt một câu hỏi nhỏ thoáng qua “tại sao 2 tiêu đề này không được đoái hoài tới?”
Tôi không dám nghĩ đến tình trạng Tình thương và Niềm tin mất chỗ đứng trong lòng người hiện nay. Tôi nghĩ có thể Tình thương và Niềm tin là 2 yếu tố không thể thiếu trong một người nếu người đó cần tồn tại và phát triển. Sự có mặt của Tình thương và Niềm tin trong lòng người là điều tất yếu, nên việc bàn về hai phẩm chất này là không cần thiết nữa chăng?
Thế là đọc lại những điều Nữ Thiền Sư Pema Chodron và Ts. Giáp văn Dương đã trở thành cái duyên để tôi biết thương và tin mình hơn.
Pema Chodron thì nhấn mạnh rằng yêu thương chính mình và đối cư xử chân thành với chính mình là điều mà chúng ta ai cũng cần. Điều này được minh hoạ bằng một hình ảnh rất dễ thương: chim mẹ luôn chở che và chăm sóc cho những chú chim non của mình cho đến khi chúng đủ mạnh để có thể bay xa. “Chúng ta là ai trong hình ảnh này, thưa các bạn – chim mẹ hay chú chim non?”
Giáp văn Dương thì chia sẻ niềm tin mà anh có được và đặt vào các cá nhân và xã hội có hệ thống chăm sóc những các nhân đó. Anh vui khi ngộ ra rằng người ta “giàu mạnh vì họ tin ở con người.” Nhìn người rồi ngẫm lại ta. Anh tự hỏi: Phải chăng đang có một cuộc “khủng hoảng niềm tin” ở đây? Và anh thắc mắc khi nào thì người ta không tin nhau? Anh lo lắng “khi niềm tin giữa người với người đã trở nên cạn kiệt.”
Cuối cùng, anh dẫn ý của nhiều người và khẳng định rằng, cá nhân và xã hội, muốn phát triển nhất thiết phải cần có niềm tin.
Đến đây, tôi cảm thấy tri ơn Pema Chodron và Giáp văn Dương đã chia sẻ và các bạn đã cho tôi cái duyên để nhìn lại, để thương và tin mình hơn. Và khi chúng ta biết thương và tin mình hơn, như Pema Chodron nói, chúng ta đã mở được chìa khoá để thương và tin mọi người hơn.

Giác Kiến