Tết đến rồi!..

Trong một bài báo Xuân xưa, Gs. Chu Hảo viết: Tết của Việt Nam vô cùng đặc biệt cả về hình thức lẫn nội  dung, vừa là ngày hội Xuân vừa là ngày hội Tâm linh... là sự biểu hiện chân thành của đức tính tôn trọng truyền thống và qua khứ của dân tộc ta, một dân tộc mà trong suốt chiều dài lịch sử của mình đã thấm nhuần nguyên lý Nhân quả của Phật giáo. TQ xin giới thiệu lại chia sẻ cùng các bạn nhân dịp tết đến.


Tết âm lịch của Phương Đông  thường là vào lúc hết đông sang xuân, khi thiên nhiên như kết thúc một vòng sinh thái, vạn vật tái sinh, cây cối đâm chồi nảy lộc; lòng người cũng mở ra, hồ hởi đón nhận một năm mới chứa chan hy vọng. Nhưng phong tục tập quán  thì mỗi nơi một khác, Tết Việt Nam có những nét chỉ là của riêng ta.  Các bạn nước ngoài am hiểu Văn hóa Việt Nam thường dùng nguyên văn chữ TẾT để chỉ ngày lễ đầu năm âm lịch của Việt Nam, chứ không dịch sang một ngôn ngữ tương đương nào khác, bởi thật sự không có sự tương đương nào cả...Tết của Việt Nam vô cùng đặc biệt cả về hình thức lẫn nội  dung, vừa là ngày hội Xuân vừa là ngày hội Tâm linh.

           Cái không khí tưng bừng của ngày đầu năm mới còn được nhuận sắc thêm lên bằng các hình thức đón Tết hết sức độc đáo của riêng người Việt Nam ta. Với mỗi người, ngay từ trước Tết đã lo sắm quần áo mới đẹp đẽ và sang trọng để sáng mồng một Tết đến chúc Tết ông bà cha mẹ, thăm họ hàng và bè bạn, rồi từ mồng hai Tết là đi hội hè. Với mỗi gia đình là chỉnh trang nhà cửa, bày biện bàn thờ với hoa tươi và mâm ngũ quả đủ màu sắc; là bữa cơm tất nhiên, bữa cơm đầu năm với “thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ/ Nêu cao pháo nổ, bánh chưng xanh”.Với làng xóm và cả cộng đồng là các lễ hội đình, chùa kèm theo tất cả các hương vị và màu sắc của ngày Tết. Đặc biệt là tiếng pháo nổ rền vang suốt từ 30 Tết cho đến ngày mồng 4 hóa vàng; mùi pháo khét nồng rất đỗi thân thương hòa quyện trong hương thơm vương vấn trên các bàn thờ tổ tiên; khói pháo trắng ngần tan dần trong không trung tươi mới; xác pháo đỏ đầy sân nhà, khắp mọi nẻo đường càng làm tôn vẻ đẹp đằm thắm của những cành đào san sát nụ hồng. Ngày nay phong tục đốt pháo Tết không còn nữa, nhưng hương vị khói pháo vẫn đắm say trong lòng nhiều người.

Trong sâu thẳm tâm hồn của người nước Nam ta, Tết còn là một nghi lễ tâm linh trọng thể. Vào dịp này, nhà nào cũng có một bạn thờ thần linh, tổ tiên và những người thân mới qua đời, được xếp đặt cầu kỳ hoặc đơn sơ, nhưng đều rất nghiêm cẩn. Dưới ánh nến lung linh và mùi hương trầm mặc, chúng ta thờ khấn các thần linh để duy trì mối liên hệ với bản chất siêu nhiên của Vũ trụ huyền bí vốn vẫn luôn luôn ngự trị trong lòng ta; chúng ta thờ khấn vong linh của những người đã khuất với niềm tin mãnh liệt rằng họ đã qua đời nhưng linh hồn của họ vẫn vương vất đâu đây, vẫn dõi theo ta trong suốt cuộc đời họa phúc mong manh đầy bất tắc của con người trên cõi tạm trần gian này. Đó cũng là sự biểu hiện chân thành của đức tính tôn trọng truyền thống và qua khứ của dân tộc ta, một dân tộc mà trong suốt chiều dài lịch sử của mình đã thấm nhuần nguyên lý Nhân quả của Phật giáo.
             
            Đối với chúng ta, bao đời nay tập quán thờ cúng thần linh và tổ tiên là một nghi thức tâm linh thấm đượm tinh thần nhân văn và đạo lý. Trong một năm ít nhất bốn lần người Việt Nam ta thực hiện nghi thức này một cách trọng thể: Ngày Tết (bao gồm : 23 tháng chạp lễ đưa Táo quân lên chầu Trời, chiều 30 Tết lễ mời thần linh và gia tiên về ăn Tết, sáng mồng một Tết lễ mừng năm mới, ngày mùng 4 Tết lễ hóa vàng tiễn đưa thần linh và gia tiên trở về thế giới linh hồn), ngày lễ thanh minh mùng 3 tháng 3, ngày lễ xá tội vong nhân rằm tháng 7, cho mọi nhà; và ngày giỗ cho từng nhà.

Từ bao đời nay chúng ta đã tin vào những điều tưởng như mơ hồ nhưng lại rất gần gũi. Thần linh và linh hồn có thể tồn tại hoặc không, nhưng đó là tín ngưỡng tôn giáo mà ta không cần phải băn khoăn giải thích cho cặn kẽ. Ta không mù quáng mê tín, cũng không cuồng tín; càng không nên báng bổ bởi những gì chưa giải thích được bằng tri thức của khoa học hiện đại nhưng chưa chắc đã là sai, đã là không tồn tại. Khoa học vẫn cần mẫn làm công việc của mình; nó càng phát triển, càng tiến dần từng bước lên các bậc thang trí tuệ cao hơn thì phạm vi ảnh hưởng của Thần linh càng bị thu hẹp lại, Nhưng  Tôn giáo  thì vẫn cần . Einstein đã từng nói: “ Khoa học không Tôn giáo là tê liệt; Tôn giáo không khoa học là mù quáng”. Cõi siêu nhiên chắc là sẽ ngày càng hạn hẹp; hạn hẹp nhưng (“ơn Trời”!) sẽ không bao giờ biến mất, bởi nhân loại vẫn luôn luôn cần một điểm tựa cho đời sống tâm linh. Karl Marx đã từng nói: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của những trật tự không có tinh thần; Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”(Lời nói đầu tiểu luận "Góp phần phê phán triét học pháp quyền Heghen")

Tết ở nước ta vừa là ngày Hội mùa xuân tưng bừng giữa đất trời bao la đang rạo rực sức sống mới, vừa là nghi lễ tâm linh thiêng liêng để duy trì truyền thống đạo lý bền vững của nòi giống Lạc hồng. Niềm hy vọng không bao giờ tắt của chúng ta về một tương lai ngày càng tốt đẹp hơn cứ mỗi khi nguôi ngoai thì lại được thổi bùng lên vào mỗi dịp Xuân về. Tết là của chúng ta, của mỗi người và của mọi nhà...

Chu Hảo

          Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng, số 1+2-2012, Xuân Nhâm Thìn