Lý Tưởng

Võ Đình Cường
Anh kể một chuyện xưa.
Xưa, có một người láng giềng của Dương Chu mất dê. Sau khi đã sai tất cả người nhà đi tìm, ông còn qua thưa với Dương Chu cho mượn thêm một người nữa đi tìm hộ. Dương Chu ngạc nhiên hỏi:
-        Sao mất có một con dê mà phải lắm người đi tìm thế?
Người láng giềng thưa:
- Vì đường lắm ngã ba.
Đến chiều tối người mất dê trở về.
Dương Chu hỏi:
- Sao, có tìm được dê không?
- Thưa không tìm được!
-    Đông người thế sao lại không tìm được?
- Thưa, vì đường lắm ngã ba quá. Cứ đi một đoạn lại gặp một ngã ba nữa, thành thử không biết theo dường nào để gặp dê, nên đành phải về không tất cả!
Em ạ, cũng thế, đường đương thời có muôn vạn ngã . Nếu không sẵn có một chí hương, một lý tưởng, thì cũng dễ lạc đường. Bơ vơ giữa muôn lối quẩn quanh, người ta quẩn quanh theo muôn  lối, cho đến tối chiều, sương pha đã bạc quá nửa mái tóc sầu, mà nhìn lui lại chốn mình đã lên đường từ lúc ban mai còn rực rỡ, thì ôi, nào có cách xa! Bây giờ, vừa ngạc nhiên, vừa tủi hổ cho phận mình  có đi mà không tới, người ta gục ngã bên dường, nằm khóc trong đêm đen, để đợi một ban mai không bao giờ trở về với tuổi già của họ nữa.
Muốn đi xa, không phải chỉ bước mãi; bức họa đẹp không phải chỉ gồm nhiều nét hay: muốn thực hiện đời mình, không phải chỉ xung xăng hoạt động là đủ. Kẻ sành đi đường tìm hướng trước khi đi; họa sĩ có tài phác họa trước bức tranh mình sắp vẽ. Người đời không ai thiếu lý tưởng mà có thể thành đạt được. “ Lý tưởng, ngọn đèn treo cao trong đêm tối đời, vừa chỉ đường cho bao kẻ lạc hướng, vừa dồn năng lực vào một chỗ, như tình yêu của mẹ hấp dẫn đàn con quanh mình.” Không có nó thì dù có tài cán bao nhiêu đi nữa, cũng sẽ bị tản mác một cách vô ích như đám người đi tìm dê kia, tuy đông mà không tìm dê lại được.
Vả lại, không có gi vô vị bằng một đời sống không lý tưởng. Sau những  năm thơ  ấu mà cuộc đời với đứa bé là một sân khấu để mỗi phút nó mỗi ngạc nhiên reo mừng, đây rồi cái tuổi trưởng thành – tấn tuồng ấu thơ vừa vãn – đôi  ngã tẻ nhạt mở lối ra trước mắt người thiếu lý tưởng:
Một ngã phẳng buồn đưa đến sự an nhàn  xuôi chiều theo hai nhịp ăn ngủ,ngủ ăn; những buổi mai nhạt,chán ngán nằm lì không muốn dậy, và những buổi tối, đặt mình  xuống chiếu, không chút náo nức với dự định ngày mai! Ôi cuộc đời ở đây bạc chợn, lờ đờ trôi như  dòn nước ốc khuấy loãng!
Một  ngả đỏ rực, đưa đến sự quay cuồng  như chiếc là vàng rơi trước cơn gió lốc. Ở đây người ta sống giữa cảnh rối ren không dược một phút tỉnh táo để xem mình đang ở đâu và tìm một phương hướng thích hợp chợt thấy nhà mình đang ngùn ngụt cháy: đấy là tâm trạng loạn động của những hạng người đi trên đường này.
Để tránh hai con đường  ấy,chỉ có một cách là vạch lấy một lối đi  theo lý tưởng  của mình.
    - Vẫn biết lý tưởng chỉ hướng cho thuyền đời và nẩy hoa cho cuộc sống, nhưng tìm  lý tưởng không phải là một chuyện dễ. Đứng trước những ngã ba, ngã tư hào nhoáng và lộng lẫy, người tre thơ mới đụng chạm với  đời như em, biết sao được  những uẩn khúc dấu trên đường mình chưa đi qua? Và như thế họ phân vân là phải. Người đi tìm dê, băn khoăn trước ngã ba vì không biết nên theo ngã nào cho gặp dê, thì người tìm lý tưởng do dự mãi trong sự tìm kiếm của mình cho đến lưc mỏi gối chồn chân, đành trở về tay không, cũng không phải là một chuyện lạ. Em nghĩ, thật ra lý tưởng không phải  thiếu cho người, mà chính người đời phần nhiều thiếu lý tưởng vì quá phân vân  trong sự lựa chọn lý tưởng.
- Cũng có phần đúng trong lời em nói. Nhưng người đi tìm dê, vẫn khác hơn người đi tìm lý tưởng. Một đàng tìm vật ở ngoài, một đàng tìm ở trong: tìm lý tưởng trước hết là tìm ta, tìm những khả năng của lý trí,tình cảm, thể chất,để nhận rõ ta, rồi dựa vào những điều ta có thể làm được để phác họa một cái ta sau này, cái thật của ta, cái ta mong ước. Khi dã biết rõ ta như thế,thì đường đời tuy có muôn ngả, mà chỉ có một ngả là thích hợp duy nhất với ta mà thôi. Người đời thường phân vân trong sự lựa chọn lý tưởng, vì họ không tự biết mình. Có người tưởng mình có đủ tài năng nên muốn ôm cả mọi việc, mà  rút cục chẳng thành được việc gì. Có người tưởng mình không có một chút khả năng nào nên không dám nhận một việc gì cả. Nhưng đã là người, thì dù vụng về bao nhiêu cũng có vài đặc điểm, dù khôn khéo bao nhiêu cũng chẳng hoàn toàn. Chi bằng ta đi theo con đường ta biết có thể đến đích được. Ấy là thuật mầu nhiệm  nhất để được thấy ánh sáng rực rỡ của ngày thành công.
Nhưng tìm lý tưởng, dù sao cũng chưa khó mấy. Khó nhất là giữ vững lý tưởng mình. Nhiều người, sau vài lần nếm mùi thất bại, bỗng quay lái thuyền đời. Họ không ngờ rằng ở đây cũng như mọi trường hợp khác, kiên chí vẫn là mẹ đẻ của thành công. Trên đường lý tưởng, không phải lúc nào cũng có hoa và bướm. Đừng thấy những đoạn gai góc khó đi mà vội rẽ sang lối khác đang dàn bày cho em cái hào nhoáng nhất thời. Cứ quyết chí theo  hướng của ta đi, rồi chậm hay mau, thế nào cũng có ngày đến đích .
“Em ạ, sóng triều rào rạt mỗi ngày hai bận xuống lên, kẻ thấp chí bạc tài theo nó mà ra vào sông bến cũ.”
Những kẻ kiên tâm cả chí thì dù gió sóng tơi bời, cũng cố ra sức chống chèo cho qua cơn biển động. Qua cơn biển động ấy rồi gió thuận căng buồm, sẽ đẩy vút thuyền ta đến những trời mới lạ.
     
Võ Đình Cường