Đạo Phật và những Con Voi

Damien Keown (Kim Oanh dịch)

Một lần nọ, Đức Phật kể một câu chuyện về những người mù và con voi (Udāna 69f.). Có một vị vua ở thành Xá Vệ ra lệnh tập hợp tất cả những người mù lại và phân chia họ thành nhiều nhóm. Mỗi nhóm được đưa đến một con voi và giới thiệu về từng phần khác nhau của con vật - như là phần đầu, phần thân, chân, đuôi... Sau đó, nhà vua yêu cầu mỗi nhóm mô tả thực tướng của con vật. Những người sờ đầu thì mô tả con voi như một bình đựng nước; những người sờ tai thì cho rằng nó bè bè giống như cái quạt thóc; những người sờ chân thì nói nó sừng sững như cái cột đình, và những người sờ ngà thì khẳng định rằng nó có hình dạng như cái đòn càn. Những nhóm còn lại thì tranh cãi nhau, khăng khăng cho rằng nhận xét của mình là chính xác còn những người khác thì sai.

Quá trình nghiên cứu Phật giáo trong những thế kỷ vừa qua cũng giống như cuộc gặp gỡ của những người mù và con voi theo nhiều cách khác nhau. Những người học Phật có khuynh hướng tự giới hạn mình trong một phần nhỏ của truyền thống, từ đó nhận định tổng quát về đạo Phật và cho rằng kết luận của mình là đúng. Thường thì những phần mà họ cho rằng đã thông suốt chỉ là một phần nhỏ mà thôi, điển hình như việc chỉ tiếp xúc với ngà voi thôi thì chưa đủ để miêu tả hết toàn bộ thực tướng của con vật. Kết quả là đã xuất hiện nhiều dạng khái quát hoá sai lầm và hời hợt về Đạo Phật, chẳng hạn như cho rằng đạo Phật là ‘tiêu cực’, ‘phủ nhận thế giới’, ‘bi quan’, v.v.… Mặc dù xu hướng khái quát hoá quá đáng này hiện nay ít phổ biến, song nó vẫn còn tồn tại trong nhiều tư liệu cũ, ở đó các tác giả có xu hướng phóng đại đôi chút những nét đặc trưng của truyền thống Phật giáo hoặc khẳng định những điều đúng với bản chất của đạo Phật và được chấp nhận rộng rãi trong một nền văn hóa Phật giáo hay một giai đoạn lịch sử nào đó.
Bài học đầu tiên từ câu chuyện của những người mù đó là Phật giáo là một chủ đề lớn và phức tạp, và chúng ta nên thận trọng với các dạng khái quát hoá dựa trên cơ sở quen thuộc với bất kỳ một phần duy nhất nào. Đặc biệt, những lời phát biểu bắt đầu như ‘Phật tử tin rằng…’ hay ‘Phật giáo dạy rằng…’ phải được xem xét cẩn thận. Để những lời nhận định như thế có giá trị hơn, chúng ta cần phải cân nhắc bằng cách đặt ra các câu hỏi liên quan, chẳng hạn như ‘những phật tử nào được đề cập đến, truyền thống Phật giáo nào mà họ đang theo, họ thuộc trường phái hoặc giáo phái nào’ v.v... Một số học giả có lẽ đã đi xa hơn, và tuyên bố rằng hiện tượng tiếp biến văn hóa được phương Tây biết đến với tên gọi ‘Đạo Phật’ (Buddhism) (danh từ ‘Buddhism’ được sử dụng phổ biến từ những năm 1830) không phải là một thực thể duy nhất mà là một sự kết hợp của nhiều truyền thống. Nếu đúng như vậy, có lẽ chúng ta nên nói ‘Buddhisms’ (số nhiều) chứ không phải là ‘Buddhism’ (số ít). Tuy nhiên, xu hướng giải minh hay “giải cấu trúc” Phật giáo như thế này có lẽ tốt nhất nên được xem như một sự phản ứng lại với xu hướng “cô kết” Phật giáo trước đây, tức là xu hướng nhìn nhận Phật giáo là một khối tổ chức đồng nhất ở khắp mọi nơi. Thái độ “trung đạo” ở đây là hãy nhìn Phật giáo như con voi trong câu chuyện trên: vừa có sự kết hợp kì lạ của những bộ phận khác nhau, vừa có một bộ phận chính yếu nối kết tất cả các bộ phận khác nhau đó.
Bài học tiếp theo mà chúng ta có thể rút ra từ câu chuyện, dù ít rõ ràng hơn nhưng không kém phần quan trọng, đó là có rất nhiều dạng mù quáng. Những thí nghiệm về nhận thức thông qua nhãn thức đã chứng minh rằng tâm chúng ta thường bị tác động mạnh mẽ bởi những gì chúng ta nhìn thấy. Phần đông con người thấy biết những gì họ mong đợi hay muốn thấy biết, và loại ra những gì không tương thích với cái mẫu thực tế của họ. Trong những nền văn hóa khác nhau, trẻ em được nuôi dưỡng và học hỏi theo nhiều cách khác nhau, đó cũng là lý do tại sao những phong tục dị biệt dường như gây tò mò hay xa lạ với những người ngoài nền văn hoá đó nhưng lại rất thân thiện tự nhiên với những người có cùng văn hóa. Khi giao lưu với những nền văn hoá khác, chúng ta dễ dàng nhận ra tín ngưỡng và giá trị sống của mình, và từ đó khám phá ra những tín ngưỡng và giá trị sống đó một cách rõ ràng từ hiện thực (những thông tin gốc từ) cuộc sống. Trong cách thế đó, Đạo Phật trở thành chính những gì chúng ta hy vọng (hay cảm thấy sợ hãi) nó là. Ngay cả những chuyên gia cũng không tránh khỏi việc ghi chép lại những giả định của riêng mình một cách sai lầm vào dữ liệu, và nhiều học giả phương Tây đã giải thích Đạo Phật theo những cách thức vốn dựa trên niềm tin và hiểu biết cá nhân của họ hơn là chính Phật giáo.

Ngoài tính nhạy cảm của nhận thức cá nhân và nhiều dạng ảnh hưởng chủ quan khác nhau, còn có nguy cơ rập khuôn văn hóa phát sinh trong bất kỳ cuộc gặp gỡ nào với ‘người khác’. Nhà văn đương đại Edward Said đã đặc biệt chú ý đến khuynh hướng xây dựng một ‘Phương Đông’ trong nghệ thuật và văn học phương Tây mà cái ‘Phương Đông’ đó chính là cái bóng của nền văn học và nghệ thuật của họ hơn là một sự miêu tả trung thực những gì đang thực sự diễn ra ở phương Đông. Không cần thiết phải chấp nhận thuyết tác động ngầm tinh vi của Said rằng phương Tây đã rập khuôn Phương Đông một cách hợp lý (về tri thức) như một khúc dạo đầu để chiếm hữu nó một cách khôn khéo (về chính trị) mới có thể nhận ra rằng trong quá trình tiếp cận và nghiên cứu những nền văn hóa khác chúng ta không thể không bị ảnh hưởng bởi những thái độ và giả định vốn tồn tại trong chính nền văn hóa của mình mà chúng ta không hề ý thức. Và như thế, trong việc nghiên cứu Phật giáo, chúng ta phải cẩn thận với nguy cơ ‘mù văn hóa’, và những hiểu lầm có thể phát sinh từ những giả định dựa trên sự áp đặt của các thể loại và khái niệm ở phương Tây lên các nền văn hóa và văn minh khác.