Đứng giữa

Tính cởi mở không đến từ việc chống lại nỗi sợ, mà có được là nhờ vào việc tìm hiểu những nỗi sợ đó ra sao. Chúng ta không thể tìm thấy được lòng can đảm của mình nếu ta không tìm hiểu bản ngã hoạt động ra sao. Chúng ta tự hỏi mình: “Nếu tôi không thể kiểm soát được những chuyện đang diễn ra thì sao? Tôi kể chuyện gì đây? Điều gì làm tôi ghét và điều gì làm tôi thích? Tôi tìm sức mạnh ở đâu và tôi đặt niềm tin vào đâu?”.
Bước thứ nhất trong thiền là chúng ta bắt đầu tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra. Dù rằng ta vẫn trốn tránh hay vẫn lăn vào, chúng ta phải thấy rõ ràng những gì mình đang làm. Chúng ta ghi nhận tâm ghét bỏ và tâm tham đắm của mình. Chúng ta ngày càng quen thuộc với những chiến lược hay lòng tin được sử dụng để củng cố cho cái kén của mình. Sử dụng tỉnh thức như một phương pháp, chúng ta bắt đầu muốn biết chuyện gì đang diễn ra. Một thời gian lâu sau ta mới biết rõ. Theo đó, khi chúng ta sẵn sàng nhìn kỹ vào mình khi thỏa mãn hay kiềm chế, thì khi đó chúng đã không còn thể hiện nữa. Không thể hiện ở đây không có nghĩa là mất đi. Trái lại, một nhãn quan cao rộng hơn, khoáng đạt hơn và sáng suốt hơn xuất hiện.

Ta đứng ở giữa thỏa mãn và kiềm chế bằng cách nhận thức cái gì sắp đến, không đánh giá gì, chỉ để ý nghĩ tự tan đi, và rồi ta quay lại với sự cởi mở trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Đó chính là điều ta làm trong thực hành thiền. Khi suy nghĩ đến, ta đừng loại bỏ chúng hay bị chúng ám ảnh, mà hãy nhận biết chúng rồi hãy để chúng ra đi. Và chúng ta lại trở về ngay đây.

Như vậy là sau một thời gian, đó là cách chúng ta liên hệ với những hy vọng và sợ hãi trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta không còn tranh đấu, chỉ thư giãn thôi. Chúng ta nhận biết dòng suy nghĩ của mình, buông nó, và quay lại với từng khoảnh khắc mới lạ của hiện tại.

Pema Chodron
Thủy Dung dịch