Tầm người viết và tầm nhân vật

Phong Lê là một giáo sư, nhà nghiên cứu Văn học, nguyên là Viện trưởng viện văn học, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Tầm người viết và tầm nhân vật ông viết cách đây hơn 30 năm. Những điều ông viết về mối quan hệ giữa tâm và tầm của người lớn và trẻ em như một thực tế đúng cho thời trẻ của ông và cũng đúng với chúng ta hôm nay.
Chẳng phải chỉ vì người lớn nào cũng từng có lúc là thiếu nhi. Mà là vì trong những câu chuyện trẻ con kia hàm chứa biết bao điều lớn lao, mà bất cứ ai mỗi khi soi vào đấy, cũng đều thấy được gương mặt của chính mình, của cả một thế hệ, một dân tộc, một thời đại. Và bài học được rút ra, bao giờ cũng vậy, dường như là bài học ở dạng khái quát nhất: bài học làm người, làm một con người chân chính. Có phải đó cũng chính là chỗ giao hòa, thâm nhập vào nhau sâu sắc giữa văn học người lớn và văn học cho thiếu nhi khiến cho vấn đề tầm người viết và tầm nhân vật luôn luôn là một mối quan tâm chung cho cả hai.
Xin giới thiệu để các bạn quan tâm đến thế hệ tương lai cùng đọc.

Tầm người viết và tầm nhân vật
Phong Lê
Tôi không nghĩ là người viết cho thiếu nhi phải trở lại làm trẻ con trong quá trình viết. Phải chăng thói quen của tâm lý “cha chú” mang tính chất “gia trưởng” lâu đời vẫn còn cội rễ khiến cho ta thấy con trẻ lúc nào cũng bé bỏng? Cũng đừng nghĩ là chúng ta đọc nhiều, nghĩ nhiều hơn trẻ. Rõ ràng có thực tế là không phải ai trong chúng ta cũng có đủ hứng thú, hoặc có thì giờ để đọc, nhưng thiếu nhi thì dường như có khả năng đọc tất cả. Chúng rộng rãi thì giờ, nhưng đọc sách không phải để “giết” thời gian. Chúng đọc một cách vô tư, xuất phát từ một nhu cầu tự nhiên bên trong, chẳng ai ngăn cấm hoặc bắt ép chúng được, chứ chẳng phải một sự méo mó nghề nghiệp nào. Trong kho tàng cổ tích trong và ngoài nước (đã được dịch), có không ít những bộ sách lớn trong di sản cổ điển của nhân loại. Lịch sử đi lên, thế hệ sau vươn cao hơn thế hệ trước, đó là quy luật khách quan của sự tiến bộ xã hội. Nhất là trong chế độ mới của chúng ta. Vậy thì chẳng có chuyện người viết phải hạ mình xuống, mà chỉ có chuyện vươn cao lên thôi, vươn lên không cùng. Mỗi người viết cho thiếu nhi cần biết cách vươn lên, tự đổi mới để theo kịp sự phát triển về tinh thần và trí tuệ ở các thế hệ trẻ.
Tôi không muốn làm người “nịnh” trẻ con, nhưng tôi thấy trẻ con ta khôn và trưởng thành nhanh, nhất là về mặt phát triển nhân cách, để có một bản lĩnh, một cách nghĩ độc lập trong cuộc sống
Nhiều bậc bố mẹ thường hay ca cẩm, than phiền về nỗi trẻ nhỏ bây giờ không được “ngoan”, “khôn”, “từng trải”, biết cách “tự lập”, “chịu đựng gian khổ” như mình trước đây, và hăng hái đi tới kết luận: ngày xưa thường hơn bây giờ! Ngày xưa…ghê gớm lắm! Lỗ Tấn vĩ đại chính nhờ phát hiện sâu sắc nhân tình, như trong câu chuyện về mụ Chín Cân bao giờ cũng thấy càng buộc các thế hệ sau thì càng nhỏ cân hơn, càng “tồi” hơn! Có sự thực là quá khứ được lọc qua hồi tưởng bao giờ cũng đẹp, và người ta thường gọi sự ngưng đọng trong hồi tưởng là chất thơ. Nhưng đừng lẫn nó với sự lý tưởng hóa quá khứ. Con người đến một lúc nào đó thường có cảm tưởng quá khứ đẹp hơn, trước khi đi đến cái tuổi chỉ còn biết sống với quá khứ, do tuổi tác làm cho lẩm cẩm, hoặc là do tư tưởng có lệnh lạc mà tự tách mình ra khỏi dòng đời hiện tại. Nhưng muốn nhìn đúng sự thật thì phải biết cảnh giác với cách nhìn đó. Phương ngôn ta có nói: “Tre già măng mọc”, “Con hơn cha là nhà có phúc”… Những thế hệ con trẻ của ta có cách hiểu riêng của nó, và ở đây, sự khác nhau về thế hệ không phải là điều làm ta đau đầu, mà là một sự thực chúng ta cần chủ động chấp nhận.

Tôi không muốn làm người “nịnh” trẻ con, nhưng tôi thấy trẻ con ta khôn và trưởng thành nhanh, nhất là về mặt phát triển nhân cách, để có một bản lĩnh, một cách nghĩ độc lập trong cuộc sống. Nói điều này tôi muốn khẳng định tính ưu việt của chế độ ta. Chế độ là cái nôi của con người. Và con người là gương mặt của chế độ. Nhưng như vậy không phải để phủ nhận, hoặc coi nhẹ sự thật vẫn là vẫn còn lắm thói tệ, tật xấu ở các em, sinh ra và nẩy nở trong một hoàn cảnh còn nhiều nhân tố tiêu cực thường gây ô nhiễm. Hoàn cảnh hẹp, đến từ bố mẹ, anh chị, họ hàng, cô bác… Hoàn cảnh rộng: từ nhà trường, chợ búa, đường phố, xã hội… Đó là sự thực để ta không nên trốn tránh và đó cũng là trường học, là cuốn sách giáo khoa cần cho các em biết, để giúp các em tăng cường khả năng miễn dịch. Từ ý này tôi muốn nêu một băn khoăn: phải chăng không nên quá bó chặt đề tài mô tả cho các em chỉ trong phạm vi cái tốt, cái đẹp, cái chính diện, cao thượng… Nên chăng cần mở rộng diện mô tả ra nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả mặt còn chưa tốt, chưa hoàn thiện của cuộc đời, cố nhiên với một tỉ lệ thích hợp. Có thế, những cây non mới mau chóng trở nên cứng cáp được.
Trở lại với ý nhà văn cần vươn lên, tự đổi mới, để đừng lạc hậu với sự phát triển của các em, của các thế hệ kế tiếp, tôi muốn nêu yêu cầu xác định một sự bình đẳng, như một ý hướng phấn đấu nghiêm túc ở mỗi người viết chúng ta. Bình đẳng để có thể bàn bạc với các em về tất cả vấn đề lớn nhỏ của đời sống xã hội. Bởi lẽ có vấn đề nào của đời sống lại có thể lọt được ra ngoài sự chú ý, tầm quan sát của các em đâu? Các mặt dở, tiêu cực trong gia đình, nhà trường, xã hội như đã nói ở đọan trên chẳng hạn. Hoặc tình yêu xưa nay vốn được xem là một đề tài cấm kỵ đối với lứa tuổi nhỏ. Nhưng ai cấm các em quan sát, bình luận: tình yêu giữa bố mẹ, cô chú, anh chị, và tình yêu đang diễn ra khắp nơi ngoài cuộc đời: trên ghế đá vườn hoa, trong ánh sáng của rạp hát hay màn ảnh nhỏ của vô tuyến truyền hình… Và ngay các em nữa, chứ sao! Trong trò chơi của các em có cả chuyện cô dâu chú rễ, dựng vợ, gả chồng… (Ở nhiều nước anh em, người ta còn đặt yêu cầu giáo dục về sinh lý nam nữ trong chương trình nhà trường). Vậy thì vấn đề là cách nói, cách viết, cách đề cập sao cho thích hợp với tầm nhìn tầm nghĩ của các em. Vấn đề là làm sao trang bị cho các em một vốn hiểu biết cần thiết, vừa tầm, cũng có nghĩa là làm sao cho các em sau này bước vào đời, với tư thế được trang bị.
Nói điều này tôi không nghĩ là văn học thiếu nhi cần mô tả tình yêu của các em, chuyện các em yêu nhau. Các em chưa yêu mới chỉ có tình bạn thì đối với nhân vật thiếu nhi, thì việc gì phải bịa ra. Nhân đề tài văn học của thiếu nhi đâu chỉ giới hạn trong sinh hoạt của thiếu nhi. Do vậy khi đặt vấn đề mô tả tình yêu ở đây, tôi muốn nói đến việc mô tả tình yêu nói chung, như là một thực tế lớn trong đời sống, như một tất yếu không ai trốn tránh được. Rõ ràng tình yêu mỗi tuổi tác mỗi khác, mỗi thời mỗi khác, nhưng tôi nghĩ một tình yêu say đắm, cao thượng, được gội trong hào quang lãng mạn như của Mariuýt và Côdét trong  Những người khốn khổ của Huygô hẳn rất đáng cho các em tiếp xúc, và hẳn cũng có tác dụng cho các em ở lứa tuổi trưởng thành không kém chút nào những câu chuyện tình yêu trong sáng, chung thủy, không vụ lợi trong các truyện cổ, cho các em ở lứa tuổi nhỏ. Vậy thì sao lại phải chờ đợi đến tuổi lớn mới cần cho các em biết đến sức mạnh của những tình yêu như thế, nó làm lớn con người và làm trong trẻo biết bao cho tình cảm.
Bàn bạc với các em một cách bình đẳng, nêu ý này, tôi muốn đặt thêm vấn đề người lớn chúng ta đừng chủ quan là có thể lấy kinh nghiệm bản thân mình mà đo đạc, ban phát hoặc áp đặt cho các em. Rõ ràng có nhiều cách xử lý của chúng ta ngày xưa không còn phù hợp lắm với trẻ con lúc này nữa… Kinh nghiệm vật lộn với miếng cơm manh áo hàng ngày trong một xã hội đầy những bất trắc hoặc bất công; kinh nghiệm chống chọi với mọi loại kẻ thù; những nếp sống và thói quen lâu đời trong phương pháp sản xuất cũ; những dằn vặt nội tâm … đoi khi gần như thấm vào mỗi tế bào của chúng ta, ấy là cái vốn lưu trữ không kém dồi dào trong kinh nghiệm của nhiều thế hệ. Nhưng nhìn con trẻ chúng ta, sản phẩm của chế độ mới, của chính chúng ta; chúng sống trong sáng, tin yêu, hồn nhiên, cởi mở biết bao, đến nỗi đôi khi dường như chúng không hiểu nổi quá khứ chúng ta nữa. Nói điều này tôi không muốn dựng một hàng rào để ngăn cách các thế hệ. Tôi chỉ muốn nói: vốn kinh nghiệm bao giờ cũng quí, nhưng để đối phó, ứng xử trong một hoàn cảnh cực kì “ động” như hoàn cảnh của chúng ta ngày nay, chỉ riêng kinh nghiệm không thôi không còn đủ nữa. Người viết cho thiếu nhi bây giờ không nên, không được phép chỉ dựa vào kinh nghiệm cũ. Trái lại, họ phải biết cách thâm nhập tầm của thế hệ mới. Vươn lên, để không phải lúc nào cũng như một bậc bố mẹ lắm lời, mà làm một người tâm đầu ý hợp.
Cố nhiên, với sáng tác, người viết bao giờ cũng phải xác định chức trách của mình; nâng các em lên tầm của người lớn, tầm chủ nhân tương lai của xã hội. Ý thức trách nhiệm trước cuộc đời, sự tôn trọng nhân cách con người, lòng tin ở tương lai, niềm khao khát phát triển, hoàn thiện những khả năng vốn có ở bản thân mình… bao giờ cũng nên là chủ đề cơ bản trong sáng tác cho thiếu nhi. Và do vậy, những gương mẫu về mặt này bao giờ cũng nên có vị trí ưu tiên trong văn học cho thiếu nhi, là cái làm nên sự thúc đẩy con người vươn tới, và do vậy cũng là cái thường có sức ám ảnh, theo đuổi con người suốt cuộc đời.
Rõ ràng không phải bất cứ sáng tác hay nào cho người lớn các em cũng ham đọc, nhưng bất cứ sáng tác hay nào cho trẻ con cũng đều nhanh chóng trở thành của chung cho mỗi người. Chẳng phải chỉ vì người lớn nào cũng từng có lúc là thiếu nhi. Mà là vì trong những câu chuyện trẻ con kia hàm chứa biết bao điều lớn lao, mà bất cứ ai mỗi khi soi vào đấy, cũng đều thấy được gương mặt của chính mình, của cả một thế hệ, một dân tộc, một thời đại. Và bài học được rút ra, bao giờ cũng vậy, dường như là bài học ở dạng khái quát nhất: bài học làm người, làm một con người chân chính.
Có phải đó cũng chính là chỗ giao hòa, thâm nhập vào nhau sâu sắc giữa văn học người lớn và văn học cho thiếu nhi khiến cho vấn đề tầm người viết và tầm nhân vật luôn luôn là một mối quan tâm chung cho cả hai. 
Tháng 7- 1980
(Trích Vì trẻ thơ;
Nxb. Tác phẩm mới, H, 1982)