Cái lý của những điều phi lý

TLNX: Nguyễn Khắc Viện là một bác sĩ, nhưng lại rất quan tâm đến văn hóa, giáo dục, đặc biệt là giáo dục trẻ. Ông viết nhiều về tâm lý trẻ em. Trong bài viết "Cái lý của những điều phi lý" sau đây, ông bàn về truyện cổ tích để hiểu hơn về tâm lý trẻ, xin chia sẻ cùng các bạn.
------------------------------------------------
Cái lý của những điều phi lý
Nguyễn Khắc Viện
Trong một buổi thảo luận về văn học cho thiếu nhi, chị Xuân Quỳnh, một nhà văn hay viết truyện cho trẻ em, có hỏi: Trong truyện Tí hon, bố mẹ đem mười hai con bỏ trong rừng để chết đói hay thú rừng vồ mất, sao lại tàn nhẫn như vậy? Có nên giữ những tình tiết tàn nhẫn như vậy không? Một câu hỏi liền nảy ra: tại sao những tình tiết như vậy lại được truyền từ đời này sang đời khác. Tại sao trẻ em thế hệ này đến thế hệ khác lại ưa thích những câu chuyện như vậy? Ai cũng biết chuyện cổ tích truyền miệng qua nhiều đời, người này người kia thêm bớt, sau cùng cô đúc giữ lại những tình tiết được sàng lọc.
Nếu chỉ đứng về quan điểm thông thường, đứng trong phạm vi suy nghĩ của người lớn với những tiêu chuẩn xử thế của xã hội người lớn, rõ ràng khó có thể chấp nhận việc bố mẹ bỏ cả một đàn con chết trong rừng một cách lạnh lùng như vậy. Nhưng câu chuyện là một việc, chuyện ấy phản ánh vào tâm tư trẻ em như thế nào lại là việc khác. Cùng là vật thể, nhưng phản ánh vào tấm gương này hay tấm gương khác lại tạo ra những hình ảnh khác nhau.
Ngày xửa, ngày xưa… có phải truyện cổ tích đưa chúng ta về hai ba trăm năm, nghìn vạn năm về trước? Không phải, xưa xửa đây là thế giới ngoài cuộc sống thực tế hàng ngày. Thực tế hàng ngày là đụng chạm đến sự vật, phải đếm xỉa đến tính chất khách quan của sự vật, qua sông phải có đò, không thể đi trên mặt nước hay là bay qua; là đụng chạm với người khác, phải tuân theo, tôn trọng một số qui tắc xã hội tối thiểu, con phải vâng lời bố mẹ, trẻ con phải phục tùng người lớn, giàu nghèo sang hèn khác nhau…
Nhưng nếu ta nhắm mắt lại, thả mình buông theo luồng suy nghĩ miên man, thì một thế giới hình tượng khác lại hiện ra, xa lạ với cuộc sống thực tế, tình huống này tiếp theo tình huống khác, xem như không có qui luật nào cả. Trong đó, các con vật có thể ăn nói như người, con thỏ có thể đánh đuổi cả con chó sói, chết rồi sống lại, trẻ con có thể hơn hẳn người lớn. Đó là thế giới mơ tưởng, là thế giới mộng mị, là thế giới tưởng tượng. Từ những mộng mị nhiều khi quái gở đến những mơ tưởng mông lung, cho đến những sáng tạo có khi tuyệt vời của các nghệ sĩ, hàng ngày đi song song với cuộc sống thực tế, chúng ta vẫn sống trong một thế giới tưởng tượng. Và ai đã đi sâu vào thế giới ấy, thấy nó có những chủ đề, có những qui luật; khám phá ra những chủ đề, những qui luật ấy là một nhiệm vụ quan trọng của tâm lý học, giúp cho chúng ta hiểu rõ thêm về con người và tác động vào sự hình thành tâm tư, nhân cách.
Người ta đã phát hiện ra, trong lúc ngủ, đến một lúc nào đó, xuất hiện những vận động nhịp độ nhanh của con mắt (tiếng khoa học gọi là REM,, nếu đánh thức dậy, bao giờ người ấy cũng cho biết họ là chiêm bao, và tình trạng ngủ không có chiêm bao, không thể kéo dài nhiều ngày đêm vì ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và thăng bằng của tâm trí. Người lớn bình thường rất cần đến mộng mị; đêm nào cũng có mộng cũng xuất hiện REM, chỉ có điều khi thức dậy thì quên mất.
Một đặc điểm của tâm lí trẻ em là trong lúc suy nghĩ, chưa phân hóa được sự thực khách quan và ý nghĩ của mình, ranh giới giữa thực và hư chưa rõ nét: điều nghĩ ra, điều tưởng tượng có thể xem như là điều tai nghe mắt thấy, tay sờ được. Trẻ em rất dễ chuyển từ cuộc sống thực tế qua cuộc sống tưởng tượng; trái với người lớn thường xem nhẹ thế giới tưởng tượng, các em chịu ảnh hưởng sâu sắc của thế giới này. Và cuộc sống tưởng tượng này đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự hình thành nhân cách.
Lúc nghe hay đọc một truyện cổ tích, trẻ em “sống” lại câu chuyện ấy không chỉ bàng quan như chúng ta, với ý nghĩa câu chuyện chỉ là hư cấu, đọc cho vui: các em nhập vai cá nhân các nhân vật, sống lại những tình tiết trong truyện. Rồi tình cảm, con người của các em biến chuyển theo những tình tiết tiếp diển, khi vui sướng, lúc lo sợ, buồn bực khoan khoái nối tiếp nhau; câu chuyện có thể gỡ cho các em những mối lo hãi ưu buồn hay trái lại nuôi dưỡng những thắc mắc lo âu đang ấp ủ trong lòng.
Trẻ em cũng nuôi những hoài bão ước mơ, không dễ gì được thỏa mãn trong cuộc sống thực tế; tình cảm bao giờ cũng mang tính tuyệt đối không muốn mẹ yêu một người khác, mà là của riêng của mình, gói kẹo khó mà chấp nhận chia cho em, muốn có đồ chơi hay bánh kẹo đòi phải có ngay, nhưng tất cả những ham muốn ấy không thể nào thỏa mãn được, hàng ngày phải chăm chước thỏa hiệp. Nếu trẻ em thường sống trong vui sướng tràn trề, thì cũng là ngày sống với những niềm lo hãi và “bất mãn” sâu sắc. Vượt qua những nỗi lo hãi và “bất mãn” ấy là một điều hết sức quan trọng cho sự hình thành nhân cách.
Trước lúc những mối lo hãi bất mãn này được giải quyết trong thực tế, thì cuộc sống trong thế giới tưởng tượng đã giúp các em giải tỏa dần những vướng mắc. Và các chuyện cổ tích thường giúp cho các em rất nhiều bằng cách chuyển những vấn đề nan giai trong cuộc sống thực tế buộc các em đi từ lòng ham tràn trề, đến chấp nhận thực tế, thì thế giới tưởng tượng lại cho phép các em chuyển ước mơ tưởng tượng thành sự thực.
Nghiên cứu truyện cổ tích của nhiều nước, từ Đông sang Tây, ta thấy nhiều vấn đề, nhiều chủ đề cứ trở đi trở lại, điều này cho thấy, thế giới tưởng tượng của trẻ em mặc dù lớn lên trong nhiều nền văn hóa khác nhau có nhiều điểm cơ bản khá giống nhau, chỉ khác về tình tiết.
(Văn nghệ số 3, 19-1-1985)