Kinh đức Phật dạy về phương pháp quan sát hơi thở tại Vesali

Về bài kinh ghi lại lời đức Phật dạy về phương pháp quan sát hơi thở
Đây là bản kinh ghi lại lời đức Phật dạy về phương pháp quan sát hơi thở tại Vesali có liên quan đến các phương pháp thực tập khác, thuộc Kinh Tương Ưng Bộ (S.V, 320). Bài kinh này khá đặc biệt, có đề cập đến một sự kiện lạ trong tăng đoàn thời đức Phật ít khi được nhắc đến trong lịch sử văn học Phật giáo.
Lúc đó, đức Phật và chúng tăng đang ở tại Vesali. Sau lần đức Phật nói về phương pháp quán bất tịnh, đức Phật nhập cốc thiền tịnh, một số lớn các vị tăng đã quán và nhàm chán thân thể của mình nên đã tự sát. Đây là trường hợp các vị tăng hiểu lầm lời dạy của đức Phật một cách đáng tiếc. Hẳn là có nhiều điều cần bàn qua sự việc này.
Trước hết, việc hiểu lầm lời dạy của đức Phật không có gì là lạ, ngay cả các vị tăng là tăng đệ tử của chính đức Phật, sống cùng thời với đức Phật.
Hai là, việc kết hợp các phương pháp này nọ với phương pháp tu tập chính mà đức Phật dạy cũng không có gì lạ.
...
Và như vậy, xem ra, câu chuyện ghi lại trong kinh này, lạ mà không lạ, đáng cho chúng ta suy gẫm lắm thay!
*** Mở ngoặc cho các bạn thực hành tỉnh giác tại các đạo tràng Thiền Quang:
Trong bản dịch tiếng Việt, đoạn nói về tính thuần nhất và công năng của phương pháp quan sát hơi thở, Hòa thượng giữ lại tiếng Pali 2 từ và để trong ngoặc. Đoạn đó như thế này:
– Này các Tỷ-kheo, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này được tu tập, được làm cho sung mãn là tịch tịnh, thù diệu, thuần nhất (asecanako), lạc trú, làm cho các ác, bất thiện pháp đã sanh biến mất, tịnh chỉ lập tức (thànaso).
Tại sao như thế? Hẳn phải có lý do. Có thể từ được dùng để dịch 2 từ asecanako và thànaso không nói hết được ý cần dịch. Hoặc có thể chỗ này ngay trong bản kinh là có vấn đề cần cân nhắc lại.
Chúng ta xem bản tiếng Anh của Thầy Thanissaro dịch thì, asecanako được dịch là refreshing, còn thànaso được dịch là immediately.  
Qua việc đối chiếu sơ bộ như vậy, chúng ta thấy, đây không phải là chuyện của chữ nghĩa, chuyện của nghiên cứu, mà chắc hẳn là chuyện của phương pháp tu tập. Việc này chúng ta có thể bàn sâu hơn ở một dịp khác.
Thứ nữa là, qua đó, chúng ta thấy việc học, hành và đối chiếu (liên tục) với kinh sách đức Phật dạy cần thiết và quan trọng làm sao!
Mong các bạn thực hành tỉnh giác tại các đạo tràng Thiền Quang luôn tinh tấn và tìm được niềm vui trong việc học và thực hành lời dạy của đức Phật.
Giác Kiến
------------------------------------
Kinh đức Phật dạy về phương pháp quan sát hơi thở tại Vesali
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn ở giữa dân chúng Vesàli, tại Đại Lâm, ngôi nhà có nóc nhọn.

2) Lúc bấy giờ Thế Tôn dùng nhiều phương tiện giảng về bất tịnh, nêu rõ về bất tịnh, tán thán sự tu tập bất tịnh.
3) Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:
– Ta muốn sống Thiền tịnh một mình trong nửa tháng, không gặp một ai, trừ người đem đồ ăn cho Ta.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, không cho một ai đến thăm Thế Tôn, trừ một người đem đồ ăn.
4) Rồi các Tỷ-kheo ấy được nghe Thế Tôn dùng nhiều pháp môn nói về bất tịnh, nêu rõ về bất tịnh, nói lời tán thán sự tu tập bất tịnh, nên sống chuyên chú tu tập bất tịnh dưới nhiều hình thức sai biệt. Họ tủi hổ với thân này, tàm quý và nhàm chán, tầm cầu đem lại con dao. Mười Tỷ-kheo một ngày đem lại con dao... Hai mươi... Ba mươi Tỷ-kheo trong một ngày đem lại con dao.
5) Rồi Thế Tôn sau nửa tháng, từ Thiền tịnh đứng dậy và bảo Tôn giả Ànanda:
– Này Ànanda, vì sao chúng Tỷ-kheo giảm thiểu như vậy?
6) – Bạch Thế Tôn, vì Thế Tôn dùng nhiều pháp môn thuyết cho các Tỷ-kheo về bất tịnh, nêu rõ về bất tịnh, tán thán sự tu tập bất tịnh, nên các vị ấy sống chuyên chú tu tập bất tịnh dưới nhiều hình thức sai biệt. Họ tủi hổ với thân nầy, tàm quý và nhàm chán, tầm cầu đem lại con dao. Mười Tỷ-kheo trong một ngày đem lại con dao... Hai mươi... Ba mươi Tỷ-kheo trong một ngày đem lại con dao. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho pháp môn khác, nhờ vậy chúng Tỷ-kheo được an trú vào chánh trí.
7) – Vậy này Ànanda, hãy tập họp tại giảng đường tất cả các Tỷ-kheo trú xung quanh Vesàli.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ànanda vâng đáp Thế Tôn và mời tất cả Tỷ-kheo trú xung quanh Vesàli tập họp tại giảng đường, rồi Tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, chúng Tỷ-kheo đã tập họp. Nay Thế Tôn hãy làm những gì Thế Tôn nghĩ là phải thời.
8) Rồi Thế Tôn đi đến giảng đường; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
9) – Này các Tỷ-kheo, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này được tu tập, được làm cho sung mãn là tịch tịnh, thù diệu, thuần nhất (asecanako), lạc trú, làm cho các ác, bất thiện pháp đã sanh biến mất, tịnh chỉ lập tức (thànaso).
10) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong cuối mùa hạ, bụi nhớp bay lên và một đám mưa lớn trái mùa lập tức làm chúng biến mất, tịnh chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra được tu tập, được làm cho sung mãn là tịch tịnh, thù diệu, thuần nhất, lạc trú, làm cho các ác, bất thiện pháp đã sanh biến mất, tịnh chỉ lập tức.
11) Và này các Tỷ-kheo, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, được tu tập như thế nào, được làm cho sung mãn như thế nào là tịch tịnh, thù diệu, thuần nhất, lạc trú, làm cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được biến mất và tịnh chỉ lập tức?
12-18) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống, ngồi kiết-già... “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.
19) Này các Tỷ-kheo, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy là tịch tịnh, thù diệu, thuần nhất, lạc trú, và các ác, bất thiện pháp đã sanh được biến mất và tịnh chỉ lập tức.