Dạy con từ thuở còn thơ

Biết đọc!
Có cách gì làm cho trẻ em hứng thú học tập không?
Trẻ em lớn lên, thấy anh chị say mê đọc chuyện, bố mẹ ngày ngày mở tờ báo, lâu lâu trong nhà nhận được thư của người anh, người chú từ chiến trường trở về; ngoài thế giới sự vật đụng chạm hằng ngày, có cả một thế giới chữ nghĩa hấp dẫn không kém. Đến nhờ anh chị, nhờ bố mẹ đọc cho nghe quyển sách truyện, thường bị gạt đi, mỗi người công việc bận rộn, ai có thì giờ mà ngồi đọc sách đọc báo cho các em nghe.
Biết đọc là chìa khóa để bước vào thế giới kỳ lạ ấy, một thế giới vượt quá tai nghe mất thấy, dẫn đến những đất nước xa xôi, những năm tháng nghìn xưa, đến cả những cõi trời thần tiên kỳ diệu. Biết đọc! Con lên năm, lên sáu, bố mẹ cũng nôn nóng muốn cho con biết đọc nhanh chóng, mở đầu cuộc đời học sinh, biết đâu ngày nào sẽ dẫn đến bằng tiến sĩ, phó tiến sĩ gì đó. Mỗi ngày, con từ lớp vỡ lòng về, bố mẹ lại đưa cho một vài chữ, vài câu kiểm tra xem đã biết đọc chưa. Vui sướng cho bố mẹ, hãnh diện cho thầy cô lúc em bé cầm quyển sách đọc làu làu!
Trẻ em ham mê, bố mẹ thầy cô nhiệt tình, kể ra tập đọc và dạy cho trẻ em biết đọc đáng lẽ là một việc làm vui vẻ hấp dẫn, nhưng thực tế như thế nào? Cứ vào một lớp vỡ lòng bình thường thì thấy rõ: một hai hàng ghế đầu ngồi gần cô giáo, các em còn chăm chú nghe cô, ở các hàng dưới, em thì chơi trò này, em thì chọc bạn, có em ngẩn ngơ nhìn đâu đâu. Cô giáo la mắng dỗ dành, thưởng phạt; về nhà bố mẹ câu có, có khi phải dùng đến thước đến roi. Cho đến ngày biết đọc thì bao nhiêu nước mắt đã trào ra. Cuộc đời học sinh bắt đầu với những ấn tượng nặng nề, từ đó trở đi, chữ học trong tâm trí trẻ em gắn liền với khổ nhọc, người lớn bắt buộc đành phải tuân theo, bản thân việc học không hứng thú gì cả, học với chơi hoàn toàn đối lập. Hứng thú học tập quả là một điều hiếm, thầy cô, bố mẹ phải bày ra trăm thứ thưởng phạt, xã hội phải dùng mọi hình thức kiểm tra đôn đốc, học sinh mới chịu ngồi yên cầm quyển sách mà có ngồi vào bàn rồi cũng tâm bất tại. Nếu nhìn vào kết quả toàn quốc, ta thấy trong những năm qua, ở các lớp vỡ lòng, sau một năm học, có đến 30% trẻ em chưa đọc được phải “đúp”. Như vậy cứ hằng năm, phải gánh hơn nửa triệu trẻ em vào lớp vỡ lòng năm thứ hai.

Có cách gì làm cho trẻ em hứng thú học tập không?
Ai cũng biết lúc các em đã hứng thú một việc gì, thì chẳng cần ai bảo, chẳng cần thưởng phạt gì cả, các em tập trung vào hàng mấy giờ liền. Hay là việc tập đọc bản chất là một việc không thể nào gây hứng thú, ta đành phải buộc trẻ em học khổ học sở, như uống liều thuốc đắng, miễn qua cho được cửa ải. Đừng có mơ ước viển vông, không thẻ kéo dài mãi tuổi ngây thơ, suốt ngày chơi đùa, vô tổ chức, vô kỷ luật. Kinh nghiệm nghìn năm là thế.
Băn khoăn về cái cảnh trẻ em tập đọc với thầy cô phải la mắng thưởng phạt, bố mẹ cau có, băn khoăn vì con số hơn nữa triệu em mỗi năm lại “đúp” lớp vỡ lòng, chúng tôi đã cố gắng tìm xem có cách gì giải quyết vấn đề không? Giải quyết mà không thành không tưởng, với những trường lớp đầy đủ tiện nghi, những thầy cô được đào tạo đặc biệt, những lớp học 20, 25 học sinh như ở các nước phát triển. Với những trường lớp thầy cô như chúng ta có hiện nay, có cách gì dạy cho các em tập đọc vui vẻ hơn, dễ dàng hơn không?
Kinh nghiệm sống với trẻ em cho chúng tôi hiểu rằng trăm việc đều xoay quanh vấn đề hứng thú. Có phải trẻ em không hứng thú biết đọc không? Trẻ em rất muốn biết đọc, vì các em đều cảm thấy rõ biết đọc là được bước vào một thế giới mới, biết đọc là được như người lớn. Khốn nỗi ngày đầu tiên vào lớp, xúng xính trong bộ quần áo mới, tay xách cái túi nhỏ, tim đập phập phồng ra đi, hãnh diện nhìn lại em nhỏ còn ở nhà trong lúc mình đã nghiễm nhiên thành một cô cậu học sinh, các em vấp ngay một nỗi khát vọng lớn. Bỏ cuộc chơi chấu, chơi chuồn, hay nhảy dây trên đường phố, vào lớp các em mong đợi được học cái gì hay ho, hấp dẫn. Nhưng rồi chỉ được nghe, được thấy, nói đúng hơn là buộc phải nghe, buộc phải nhìn, phải nhớ những chữ a,b,c những vần bờ-a ba, cờ-ac các. A là cái gì, b là cái gì, bờ - a ba là cái gì?
Nhà đại văn hào Ấn Độ, Tagore đã từng thấy rõ: “Trẻ con lúc tập đọc từng chữ một không thấy hứng thú gì cả và không hiểu được mục tiêu của bài học; thực ra các chữ cái ấy buộc trẻ em phải chú ý đều là những vật rời rạc vô nghĩa làm chúng nó mệt mỏi. Các chữ, các từ trở nên nguồn vui khi biết hợp thành câu có ý nghĩa?” (Trong quyển Sadhana).
Cuộc sống ở ngoài, mang bao nhiêu màu sắc, âm thanh, vào lớp học, giữa bốn bức tường trơ trụi, đâu còn hoa lá bướm chim ngoài vườn, ngoài ruộng, đâu còn phố xá rộn rịp, mà ngày này qua ngày khác chỉ có tiếng cô giáo lặp đi lặp lại, bờ a-ba, rồi cả lớp ê a. Đến lúc học được vài câu thì nào là “tí bú mẹ”, “nhà có chum to”, “bố cho bi”, “phố có phở” tưởng đi học là biết những điều mình chưa biết chứ những câu chuyện tầm thường kia thì cần gì phải đi đến nhà trường, cần gì phải có cô giáo?
Phải cho những em học bài gì hấp dẫn, gây hứng thú, đó là đòi hỏi đầu tiên nếu ta muốn cải cách phương pháp tập đọc. Trẻ em rất thích ca hát, thơ văn, thích lặp đi lặp lại những câu có vần, có điệu. Nghe một bài hát, ai ngâm một câu thơ nào chúng nhớ rất nhanh rồi hay đọc đi đọc lại. Phải cho các em tập đọc ngay từ đầu với những bài ca, những câu thơ. Các em rất nhạy cảm với vần điệu, với hình tượng.
Nhưng đưa thơ ca vào bài học đầu tiên, lúc chưa biết chữ cái a,b,c là gì, chưa biết các vần ac, an, ang,… là gì, làm sao mà học được. Lúc cô giáo vừa làm bộ điệu vừa ngâm nga cho các em câu của Trần Đăng Khoa:
Ao trường vẫn nở hoa sen
Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu

Thì các em đều chăm chú nghe và thuộc rất nhanh, nhưng trong câu ấy biết bao nhiêu vần khó: ường, uốt,… Nguyên tắc sư phạm sơ đẳng là đi từ dễ tới khó, bây giờ lại bắt đầu từ những vần khó như vậy, làm sao mà học được. Phải học vần ac đã rồi mới đến ach, uy đã rồi mới đến uyên, uyết. Nay đưa thơ ca vào từ đầu thì làm sao giữ được trình tự, từ vần dễ đến vần khó? Đành phải bắt đầu với những chữ cái vô vị vô nghĩa, với những câu tầm thường nhạt nhẽo, kiểu “tí bố mẹ”. “bố cho bi”, để dần dần dạy cho các em các hệ thống chữ cái, các vần. Không thể không qua cửa ải đấy được. Học hết vần rồi tha hồ mà văn với thơ.
Không gỡ được mối này thì đúng là không có cách gì khác.
Lúc chúng ta đọc một câu, chúng ta phân tích nó ra thành từng từ một, rồi mỗi từ lại phân ra thành từng chữ cái; sau đó tổng hợp từng chữ cái thành từ, nhiều từ thành câu, đọc lên. Đó là quá trình tư duy phân tích tổng hợp. Nhưng kinh nghiêm cho thấy trẻ con 3, 4 tuổi có thể nhận ra toàn bộ một từ, một câu mặc dù không biết chữ cái nào cả. Như thêu tên em Bích Liên vào quần áo của nó, rồi để lẫn lộn vào quần áo của nhiều em khác, thì giữa đống quần áo với những tên khác nhau, em bé vẫn tìm ra ngay áo quần nào của mình. Ai chỉ cho một câu ca dao nào, câu hát nào một vài lần, sau đó một em bé 4, 5 tuổi nhận ra được những câu ấy giữa nhiều câu thơ khác.
Đây là một đặc điểm tâm lý quan trọng của trẻ em: nhìn nhân sự vật bằng một trực giác toàn bộ, chưa phân tích ra từng bộ phận, “chụp” lấy toàn bộ sự vật trong một tri giác duy nhất. Như đứng trước xe đạp của bố hay của mẹ, một em bé lên ba nhận ra ngay giữa mấy chục chiếc xe khác, nhưng không biết nói vì sao, còn một em bé 7, 8 tuổi thì đã biết phân tích, xe này của bố nó, vì có cái yên màu này, cái khung kiểu kia,.. Trẻ em lớn biết phân tích, trẻ em bé mới biết nhìn theo trực giác toàn bộ, nhưng vẫn nhìn nhận được, phân biệt được vật này vật khác không sai. Đến 6, 7 tuổi hai quá trình tư duy tồn tại song song, một bên vẫn nhìn nhận các vật theo trực giác toàn bộ, một bên đã biết bắt đầu phân tích các vật ra từng bộ phận, rồi tổng hợp lại.
Chúng tôi đã dựa vào đặc điểm tâm lý trên để cải tiến phương pháp tập đọc.
Bước đầu gây hứng thú bằng cách dùng những câu thơ, lời ca; câu ấy được hát lên, ngâm lên, diễn xuất thành động tác, bộ điệu biểu hiện bằng hình ảnh. Các em hát lên, ngâm lên, học thuộc toàn câu, Trong bài ca, câu thơ ấy tách ra từ một từ với vần muốn cho các em học. Ví dụ cho học câu:
Pí po pí pô – Tí tập lái ô tô.
Cho cả lớp hát lên, cho một vài em chạy quanh lớp làm người lái, vừa chạy chạy vừa kêu: pí po pí pô. Lúc đã nhận được cả câu, thì tách chữ ô tô ra, và từ đó học từ chữ cái ô. Mỗi lần học xong một bài ca, một câu thơ, cô giáo phân tích ra một vài từ, vài vần, chữ cái; trình tự này sẽ đi từ dễ đến khó theo hệ thống âm và hệ thống vần đã được khoa ngữ âm quy định.
Cam
C                             am
Cam 

Mỗi chữ cái, mỗi vần có thể viết lên một tấm giấy cứng, rồi các em cầm lấy mà kết hợp lại theo mô hình, như vậy động tác tay cầm ghép các chữ, các vần củng cố trí nhớ. Sau vài tháng học như vậy các em đều:
- Biết đọc, nghĩa là có thể đọc lên bất kỳ những câu những chữ nào, biết đánh vần chính xác, viết chính tả ít sai.
Thực nghiệm của chúng tôi cho thấy chỉ cần một học kỳ 3, 4 tháng – là trên 90% học sinh biết đọc, qua học kỳ hai là có thể cho tập đọc những bài dài.
- Quan trọng là cùng một lúc các em lại học được một vốn thơ văn, lời ca có một nội dung phong phú về tình cảm, tư tưởng, giàu hình tượng, nhạc điệu. Các em làm quen với cái đẹp của ngôn ngữ, chứ không phải chỉ thuộc những câu vô vị. Vì được làm quen ngay từ đầu với cái đẹp của ngôn ngữ, được học một cách hứng thú, các em học rất hứng thú, các em học rất hào hứng, không khí lớp học khác hẳn những lớp học theo lối cổ điển. Chúng tôi nghĩ rằng ấn tượng này sẽ còn ghi mãi trong tâm trí học sinh, làm cho sau này các em dễ lấy việc học là hứng thú, chứ không phải có thưởng phạt mới chịu học.
Có lẽ kết quả quan trọng hơn cả là ở điểm thứ hai, cung cấp cho học sinh một nội dung phong phú, gây hứng thú học tập bằng cái đẹp của ngôn ngữ. Học vần đồng thời cũng là học văn. Không tách ra hai giai đoạn học vần rồi mới học văn, mà học văn ngay từ đầu.
Vì cần gây hứng thú, cảm xúc, những câu văn, lời thơ đưa ra phải thật hay, giàu hình tượng, nhạc điệu. Phải lựa chọn trong kho tàng ca dao, tác phẩm của những nhà thơ, chứ không thể lấy những câu nhạt nhẽo, ít chất thơ. Không có gì giả tạo bằng đề ra một vài chủ đề rồi tìm một vài người đặt ra những câu khô khan – dù có vần vẫn là khô khan – không đánh lừa được các em đâu.
Có người bảo, lấy những câu thơ, bài ca ở các tác phẩm lớn, thì rất khó hiểu cho học sinh còn bé. Hẳn rằng không ai lại đưa những câu về số phận của con người, kiểu “đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, nước còn chau mặt với tang thương” cho các em học, những rung cảm trước một cảnh đẹp, yêu thương bố mẹ anh em bầu bạn, kính mến Bác Hồ, chú bộ đội, căm ghét bọn Mỹ, hay phản động Bắc Kinh thì đâu phải chuyện xa lạ với trẻ em. Điều quan trọng là cảm xúc của các em còn nông nổi, nhờ câu thơ, tức là thông qua kinh nghiệm của một nhà thơ, cảm xúc ấy được ghi lại một cách sâu sắc, phong phú hơn, gây ra hứng thú nếu thơ văn nói đến những gì các em hoàn toàn chưa bao giờ có kinh nghiệm thì đúng là khó hiểu, nhưng nếu nói đến những gì các em đã tiếp xúc rồi, thì thơ văn sẽ nâng cao sự rung cảm, sự hiểu biết, làm cho tình cảm và tri thức phong phú sâu sắc thêm. Hiểu một câu thơ là cùng rung cảm với tác giả, còn phân tích chi ly nghĩa của những từ như: mênh mông, bát ngát, bâng khuâng, chập chờn… thì chưa chắc người lớn đã được phân tích hết. Có những câu thơ in sâu vào tâm hồn, chúng ta lại hiểu thêm một cách khác. Kinh nghiêm cho chúng tôi thấy các em 6, 7 tuổi rất thích nhiều câu trong Truyện Kiều, nhiều câu của Tố Hữu, nhưng lúc đưa những cây ấy vào sách dạy học, thì nhiều người lớn – chưa có kinh nghiệm dạy trẻ, hoặc dạy theo lối cũ – cứ bảo là khó, gạt đi.
Chúng ta có trách nhiệm cấp cho trẻ em ngay từ lúc học đầu tiên một vốn thơ hay.
Gạt bỏ một câu Kiều, một câu của Tố Hữu thay vào đó một câu nhạt nhẽo tức làm cho tâm hồn các em nghèo nàn, khô héo đi.
Cũng có người cầm tập thơ văn cho các em học lại muốn đầy đủ tất cả các vấn đề rồi muốn đem vào tất cả những chủ đề tư tưởng của toàn bộ chương trình. Trong một học kì ba bốn tháng dạy cho các em tập đọc cũng không nên quá tham; nếu cho các em học được vài trăm câu thơ, ca dao, bài hát nói lên cái đẹp của thiên nhiên, tình yêu trong gia đình, tình bầu bạn, tình cảm với Bác Hồ thiết tưởng cũng đầy đủ lắm rồi. Còn cả 12 năm phổ thông nữa để học những điều khác.
Trong quyển sách làm thực nghiệm đầu tiên, chúng tôi đã cùng một số bạn chọn ra một số thơ văn, nhưng do hiểu biết văn thơ của chúng tôi có hạn, và mặt khác cũng bị một số ràng buộc, nên chúng tôi vẫn chưa thấy thỏa mãn hoàn toàn về sự lựa chọn. Tuy vậy lúc đưa ra thực nghiệm đã được hàng nghìn em học sinh và nhiều cô giáo hoan nghênh, bầu không khí lớp học khác hẳn đi. Chúng tôi mong rằng sự giúp đỡ của nhiều nhà thơ, sẽ có một quyển sách tập đọc cho trẻ em mang nhiều tính chất thơ hơn nữa để đóng góp vào công cuộc cải cách giáo dục nay mai.

Nguyễn Thị Nhất
(Tạp chí văn học, số 3-1979)