Tại sao phải quy y?

      Khi chúng ta nói rằng sự thực hành giáo lý Đức Phật bắt đầu với việc quy y, lập tức có một câu hỏi quan trọng khởi lên, đó là “Tại sao chúng ta cần một nơi để quy y?” Một nơi để quy y có thể là một người, một nơi, hay một vật có thể che chở cho ta khỏi nguy hiểm và tổn hại. Do đó, khi chúng ta bắt đầu tu tập với việc quy y, có nghĩa là tu tập sẽ giúp chúng ta thoát khỏi nguy hiểm và tổn hại. Câu hỏi ban đầu của chúng ta “Tại sao cần một nơi để quy y có thể chuyển sang một câu hỏi khác “Những nguy hiểm và tổn hại mà chúng ta cần được che chở ấy là gì?” Nếu chúng ta nhìn lại cuộc sống của chính mình, chúng ta có thể không thấy được những nguy hiểm sắp xảy ra cho bản thân mình. Công việc ổn định, sức khỏe tráng kiện, gia đình hỗ trợ đắc lực, niềm vui đầy đủ. Với tất cả những thứ hiện có, ta tưởng rằng mình có đầy đủ mọi thứ để đảm bảo cuộc sống an vui. Trong trường hợp như thế, quy y hoàn toàn trở nên thừa thãi và vô dụng.

Để hiểu được sự cần thiết của quy y, chúng ta phải nhìn lại mình một cách đúng đắn,; tức là phải thấy đúng bản chất của mình và toàn bộ những yếu tố làm nên con người của chúng ta. Theo quan điểm Phật giáo, hiện trạng của con người chẳng khác nào một tảng băng. Chỉ có một mảnh nhỏ nhô lên trên mặt nước, còn cả một khối lớn vẫn chìm sâu trong nước, không thể nào thấy được. Bởi vì tầm nhìn giới hạn, chúng ta không thấy được phần ẩn dưới bề mặt cuộc sống, để thấy được thực chất cuộc sống của mình. Tuy nhiên, không cần nói đến những gì chúng ta không thể thấy, những cái chúng ta thấy sờ sờ ngay trước mắt cũng hiếm khi được nhận thức cho đúng đắn. Đức Phật dạy rằng, nhận thức tùy thuộc vào những gì mình muốn. Ham muốn thường uốn nắn nhận thức của mình, và khép thực tại vào trong một cái khuôn theo ý muốn của mình. Nhưng điều này vi tế quá nên chúng ta khó thấy. Do vậy, tâm chúng ta thường hoạt động theo kiểu chọn lựa và loại suy. Chúng ta chấp nhận những gì phù hợp với sự nhận thức của mình, bỏ đi hoặc bóp méo những gì mình không ưng ý.

Trên cơ sở hiểu biết toàn diện và sâu sắc hơn về ý nghĩa của sự an ổn, chúng ta thấy rằng thông thường những cái chúng ta lầm tưởng cho là an ổn chẳng qua là do chúng ta không ý thức được và do sự lẩn tránh của tâm. Thật ra, chúng ta nghĩ hiện trạng của mình dường như vững chắc ấy là do mình bị giới hạn trong nhận thức và bị bóp méo theo quan điểm của cá nhân. Con đường đúng đắn đưa đến an ổn là con đường chánh trí, không phải qua lăng kính chúng ta muốn. Muốn vượt lên trên sợ hãi và nguy hiểm, chúng ta cần phải sắc bén và mở tầm nhìn sâu rộng hơn. Chúng ta phải đâm thủng những giả dối đã ru chúng ta vào ảo giác thỏa mãn dễ chịu. Hãy nhìn thẳng vào sâu bên trong cuộc sống, không chạy trốn những lo lắng hay chạy theo những thú tiêu khiển làm xao lãng tâm trí. Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta càng ngày càng đi vào ngõ cụt đưa đến bên bờ vực thẳm đầy hiểm nguy. Theo lời Đức Phật dạy, chúng ta là những kẻ bộ hành đi xuyên qua lòng một khu rừng già bị các đầm nước lầy lội và bị các vách đá cheo leo bao bọc; giống như người bị dòng nước xoáy cuốn đi mà vẫn cố bám víu vào vài cọng lau sậy; giống như người thủy thủ giữa biển động ngoài khơi xa; như người bị rắn độc đuổi cắn, như đang giáp mặt với kẻ thù hung tợn. Những nguy hiểm chúng ta vừa nói không dễ gì thấy ngay. Thường thì chúng rất vi tế, ngụy trang và khó phát hiện. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta không trực tiếp thấy chúng, sự thật là chúng vẫn hiện diện, tất cả chúng đều giống như nhau.. Muốn loại bỏ chúng, trước hết chúng ta cần nỗ lực để nhận dạng chúng là gì, rồi sau đó can đảm và quyết định diệt trừ.

Căn cứ trên lời Đức Phật dạy về những nguy hiểm để rồi chúng ta cần phải có một nơi nương tựa chia thành ba nhóm chính: (1) những nguy hiểm trong đời sống hiện tại, (2) những nguy hiểm trong đời sống tương lai và (3) những nguy hiểm cho cuộc sống nói chung.Lần lượt mỗi nhóm lại có hai phương diện liên quan đến, đó là (A) phương diện khách quan với những nét đặc trưng về thế giới; và (B) phương diện chủ quan tương ứng với tâm hành của chúng ta. Bây giờ chúng ta lần lượt xem xét từng khía cạnh.

Bhikkhu Bodhi
Ngọc An dịch