Quy y thọ giới

Lời giới thiệu
Hai bước đầu tiên để trở thành một người cư sĩ Phật tử là quy y Tam bảo và thọ trì năm giới. Bước thứ nhất giúp người đến với Tam bảo và chấp nhận Phật, Pháp và Tăng là những nơi nương tựa tinh thần lý tưởng cho cuộc sống; bước thứ hai là người quay về học Phật quyết định tự đặt mình vào khuôn khổ của giới để đời sống mình phù hợp với lý tưởng ấy. Hai bước này được giải thích rõ ràng, ngắn gọn trong hai phần sau đây. Mặc dù phần trình bày này là nền tảng cho những người mới vào đạo tìm hiểu giáo lý của Đức Phật, những điều được giải thích ở đây cũng bổ ích cho những Phật tử thuần thành, giúp họ hiểu rõ hơn về những điều mình vốn đã quen thuộc và đang hành trì lâu nay, đồng thời là tài liệu tốt cho những người muốn trở thành Phật tử sau này.

Để cho người đọc tiện theo dõi, trong khi viết, chúng tôi tránh cách trình bày đề tài mang tính nghiên cứu cồng kềnh, và hạn chế tối đa việc trích dẫn các nguồn tư liệu được sử dụng. Do đó, chúng tôi lược nêu ra đây những nguồn tư liệu đã sử dụng để viết những phần này. Phần “Quy y” chủ yếu dựa vào các đoạn sớ giải chuẩn về đề tài này được rút ra từ nhiều phần nhỏ khác nhau trong bản sớ giải về Tiểu bộ kinh (Patamathajotika), sớ giải Trường bộ kinh (Sumangalavilasini) và sớ giải Trung bộ kinh (Papañcasudani). Bản sớ giải thứ nhất do Trưởng lão Ñanamoli dịch trong “Tiểu bộ kinh và những minh họa” (London: Pali Text Society, 1960), bản sớ giải thứ ba của Trưởng lão Nyanaponika trong cuốn “Tam quy” (B.P.S., The Wheel No. 76).

Phần “Thọ giới” chủ yếu dựa vào các lời giải thích trong các bản sớ giải về giữ giới trong sớ giải Tiểu bộ kinh, đã đề cập ở trên và cũng dựa vào các bài pháp về nghiệp trong Trung bộ kinh (sớ giải kinh số 9, kinh Chánh tri kiến). Phần đầu là bản dịch tiếng Anh của Trưởng lão Ñanamoli trong “Tiểu bộ kinh và những minh họa”; phần sau trong “Chánh kiến, chính văn và sớ giải kinh Chánh tri kiến” do Trưởng lão Soma dịch (Sri Lanka: Bauddha Sahitya Sabha, 1946). Một tác phẩm hữu ích khác về giới là “Năm giới và năm loại người trở nên cao thượng” của HRH Vajirañanavarosara, cố đại lão hòa thượng của Thái Lan (Bangkok: Mahamakut Rajavidyalaya Press, 1975). Chúng tôi cũng có tham khảo các bài về nghiệp trong Abhidharmakosa (A tỳ đạt ma Câu xá luận) của Ngài Vasubandhu (Thế Thân), một tác phẩm tiếng Sanskrit thuộc trường phái Nhất thiết hữu bộ và bản sớ giải.

Bhikkhu Bodhi

Ngọc An dịch