Rộng lượng

Điểm cốt lõi của tâm rộng lượng là buông xả. Sự đau khổ luôn luôn là biểu hiện chấp giữ vào một điều gì đó, thường thường là chấp giữ vào chính bản thân mình. Khi chúng ta cảm thấy bất hạnh, khi chúng ta cảm thấy không xứng đáng, khi chúng ta trở nên bủn xỉn keo kiệt, chúng ta giữ chặt lấy tâm lý đó. Lòng khoan dung độ lượng là một hoạt động giúp chúng ta thoải mái. Bằng việc biếu tặng bất cứ cái gì chúng ta có thể – một đô-la, một nhành hoa, một lời động viên – đó là chúng ta đang rèn luyện buông xả.
Có rất nhiều cách để thực hành tâm độ lượng. Điểm mấu chốt không phải là chúng ta cho nhiều, mà là chúng ta thoát khỏi những thói quen đeo bám. Theo truyền thống thì đơn giản là biếu tặng cho người khác một thứ gì đó mà mình yêu quý. Tôi biết có một người phụ nữ quyết định cho đi bất cứ điều gì cô ta có. Một người đàn ông nọ cho tiền những người ăn xin trên phố mỗi ngày trong suốt sáu tháng sau cái chết của bố ông ta. Đó là cách mà người đàn ông vượt qua đau buồn của mình. Một người phụ nữ khác thì thực tập quán tưởng rằng mình bỏ đi những gì mà mình sợ mất nhất.

Thực hành chia sẻ giúp chúng ta thấy được chỗ mà mình chấp giữ, mình đeo bám. Chúng ta bắt đầu với những kế hoạch sắp đặt sẵn, nhưng cuộc sống đưa đẩy những kế hoạch đó đi theo nhiều hướng. Từ một cử chỉ độ lượng, tâm buông xả thực sự sẽ phát triển. Cái nhìn định ước của mình sẽ bắt đầu thay đổi. Nguyên nhân của sự gây hấn và nỗi lo sợ bắt đầu tự tan rã khi chúng ta xả bỏ đi cái nghèo nàn của sự đeo bám và chấp giữ.

Cuộc hành trình của lòng độ lượng là một sự kết nối với cái giàu có của tâm bồ-đề một cách rất sâu sắc đến mức chúng ta sẵn lòng bắt đầu bỏ đi bất cứ điều gì ngăn trở. Chúng ta mở rộng tấm lòng mình và để mọi người hiểu tấm lòng mình. Chúng ta có niềm tin vào sự giàu có của lòng rộng mở. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cảm thấy điều đó thật linh hoạt và ấm áp.
Pema Chodron
Thuỷ Dung dịch