Kham nhẫn

Sức mạnh của kham nhẫn ba-la-mật là khả năng xua tan lòng sân giận, là cách học yêu thương và chăm sóc bất cứ những gì chúng ta gặp trên con đường ta đi. Kham nhẫn không có nghĩa là bấm bụng chịu đựng. Trong bất cứ tình huống nào trong cuộc sống, thay vì phản ứng lại ngay lập tức, chúng ta nên nghiền ngẫm suy nghĩ, cảm nhận nó, xem nó là gì, và mở lòng mình để hiểu cái gì đang xảy ra. Đối nghịch với tính kham nhẫn là tính kích động – sự khao khát muốn bay nhảy, muốn đối đầu với cuộc sống này, cố gắng lấp đầy các khoảng trống. Cuộc hành trình kham nhẫn là hành trình buông xả, mở lòng với tất cả những gì đang diễn ra, và trải nghiệm.
Một trong các cách rèn luyện kham nhẫn là thực hành tonglen. Khi chúng ta muốn thay đổi vội vàng, muốn bắt đầu tăng tốc trong cuộc sống, khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải có quyết tâm, khi ai đó la mắng mình và mình cảm thấy bị sỉ nhục, chúng ta muốn mắng lại họ cho công bằng. Chúng ta muốn giải phóng cái độc của chúng ta. Thay vì làm như vậy, chúng ta có thể kết nối với tính tháo động, tính hung hăng căn bản của con người, bằng cách thực hành tonglen với tất cả chúng sinh. Khi đó, chúng ta có thể tạo ra không gian để mọi thứ đều chậm lại. Chỉ ngồi đó, chỉ đứng đó, chúng ta có thể tạo ra không gian sao cho các thói quen thông thường không diễn ra. Lời nói và hành động của ta có thể khác đi bởi vì ta cho phép bản thân mình có thời gian để tiếp xúc, nếm trải và nhìn trước các tình huống.
Khi rèn luyện kham nhẫn ba-la-mật, trước tiên chúng ta phải kham nhẫn với chính bản thân mình. Chúng ta học cách buông xả trước những tháo động của năng lượng do giận dữ, ham thích hay buồn bã tạo ra. Kham nhẫn cần can đảm. Kham nhẫn không phải là trạng thái bình tĩnh lý tưởng. Trong thực tế, khi chúng ta thực hành kham nhẫn, chúng ta sẽ hiểu tâm lý dao động của mình một cách rõ ràng hơn.
Pema Chodron
Thuỷ Dung dịch