Kỷ luật

Làm tiêu tan những nguyên nhân của việc gây hấn tức là đã tạo nên kỷ luật, nghiêm khắc mà nhẹ nhàng. Không có kỷ luật ba-la-mật, chúng ta hoàn toàn không có sự hỗ trợ cần thiết để tiến bộ. Ở một mức độ xa hơn, chúng ta có thể nghĩ rằng kỷ luật như là một thiết chế bắt buộc, kiểu như ba mươi phút thiền định hay hai giờ học Phật pháp. Phương pháp thực hành thiền định có lẽ là một ví dụ tốt nhất. Chúng ta ngồi với một tư thế nào đó và trung thành với phương pháp thiền định trong chừng mực có thể. Chúng ta đơn giản là nhẹ nhàng chú ý vào hơi thở, và ghi nhận những ký ức, những sự kiện và những nỗi buồn chán. Quá trình lặp đi lặp lại đơn giản này giống như đón mời những chất liệu sống căn bản vào trong cuộc sống của chúng ta. Vì vậy chúng ta làm theo những chỉ dẫn thiền định đã được thực hiện trong nhiều thế kỷ qua.
Trong phạm vi của thiết chế bắt buộc này, chúng ta thực tập với lòng từ bi. Sâu xa hơn, kỷ luật là để trở nên hòa nhã, chân thật, và buông xả. Kỷ luật là tìm lại sự cân bằng, tránh rơi vào những thái cực của buông thả hoặc hà khắc.
Kỷ luật giúp ta sống chậm rãi và tỉnh thức, đủ để không làm cho mọi thứ trở nên lộn xộn. Kỷ luật hỗ trợ chúng ta tập sống với tâm vô trụ tốt hơn. Với kỷ luật, chúng ta tập đối diện với những hình thức trốn tránh thực tại tiềm tàng trong ta. Kỷ luật giúp chúng ta sống với thực tại, với sự sống sung mãn bây giờ và ở đây.
 Pema Chodron
Thuỷ Dung dịch