Vẫn chờ dứt hạn hán, thêm cơn mưa

Khi anh đến với nghệ thuật bằng trái tim thì lúc nào anh cũng hiểu được. Nghệ thuật vốn hồn nhiên, nếu mình không hồn nhiên khi tiếp nhận là mình đã giết nó ngay từ đầu, lòng mình có vết mà lại tưởng người ta có vết. Nếu cứ lấy đầu óc phê phán ra để xem, xem để xét nét chẻ sợi tóc làm tư sẽ không nhận được những tín hiệu tình cảm của vở diễn...

TLNX: Đây là bài viết của Đoàn Khắc Xuyên, dường như là một nhà báo. Nội dung bài viết, nói theo một số đạo giả, thì hoàn toàn là đời, chứ không có đạo gì cả. Tuy nhiên, đọc kỹ bài viết, nếu nhìn bằng con mắt Pháp, thì thấy văn Đoàn Khắc Xuyên tải đạo cũng "khẳm khẳm". Chỉ cái tựa đề thôi đã thấy có màu đạo rồi. Nếu chúng ta thấy chuyện hạn hán và cơn mưa là chuyện của tâm hồn thì màu đạo ở đây càng rõ nét hơn. (Bạn còn nhớ hoa phượng nở trên vườn Phương Thảo giữa mùa hạn hán không, đóng ngoặc nhé.) Trở lại bài viết, Đoàn Khắc Xuyên có trích lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thật sâu sắc: “Khi anh đến với nghệ thuật bằng trái tim thì lúc nào anh cũng hiểu được. Nghệ thuật vốn hồn nhiên, nếu mình không hồn nhiên khi tiếp nhận là mình đã giết nó ngay từ đầu, lòng mình có vết mà lại tưởng người ta có vết. Nếu cứ lấy đầu óc phê phán ra để xem, xem để xét nét chẻ sợi tóc làm tư sẽ không nhận được những tín hiệu tình cảm của vở diễn...”. 
Một khi cửa lòng đã đóng, thì ôi thôi, buồn lắm. Khi đó, như Đoàn Khắc Xuyên nói: Mới lạ chưa chắc lúc nào cũng hay, nhưng một khi đóng cửa lòng mình lại, khước từ đón nhận cái mới thì mọi cố gắng sáng tạo, cách tân coi như bị kết án tử và hoạt động nghệ thuật chỉ còn là cái ao tù buồn chán.
Với cách tiếp cận của người có lòng, nghệ sĩ Thành Lộc thì rất chân thành: Đừng ai đó làm ra vẻ chứng tỏ “sự hiểu biết”, tạo sự chú ý nào đó để phỉ báng khát vọng sáng tạo của người khác. Buồn lắm. 
Những lời chia sẻ thế này thì có đạo lắm đó chứ, chứ đâu phải chỉ có đời không, phải không bạn?
Còn nhiều suy nghĩ và chia sẻ rất sâu sắc nữa, mời các bạn cùng đọc.

--------------------------------
Nguồn: http://nguoidothi.vn/vn/news/van-hoa-giai-tri/san-khau-my-thuat/4449/van-cho-dut-han-han-them-con-mua.ndt
--------------------------------

Thấm thoắt mà đã 20 năm. Thời gian trôi, nhiều người có lẽ không còn nhớ, nhưng trong đời sống văn hóa nghệ thuật của đất nước nó như một cột mốc nằm ngay chính giữa thời đoạn 40 năm kể từ ngày hòa bình thống nhất đến nay.

Nói cột mốc, bởi trong lĩnh vực của nó - nghệ thuật múa, trước nó chưa có hiện tượng nào như vậy và từ đó đến nay cũng chưa thấy có thêm hiện tượng nào tương tự. Nói cột mốc còn là vì cái chấn động hay cơn bão - có thể nói như vậy - mà nó đã tạo ra trong công chúng thưởng ngoạn, trong giới lý luận phê bình nghệ thuật và giới báo chí.

Nó là vở múa đương đại Hạn hán và cơn mưa của Ea Sola Nguyễn Thủy, một người vốn sinh trưởng ở Việt Nam, trưởng thành và sống ở Pháp, lại mang nặng một tâm hồn Việt, người những mong đưa tâm hồn Việt ra giới thiệu với thế giới qua vở múa. Hạn hán và cơn mưa đã diễn và gặt hái thành công tại nhiều nước châu Âu, sau khi đã “biểu diễn báo cáo” với các cấp có thẩm quyền trong nước vào tháng 5.1995.

Tuy nhiên, như người ta thường nói, tiên tri (xin hiểu là người đi trước, đi tiên phong) không bao giờ được chào đón ở quê hương mình, dù được hoan nghênh ở nước ngoài như là sứ giả “của hòa bình, của cảm xúc, của nhân bản” như trong phát biểu của ông giám đốc Liên hoan nghệ thuật Val de Marne, Hạn hán và cơn mưa vẫn cứ gặp phải sóng gió trong nước, vẫn bị chụp cho những cái mũ nặng nề.

Khi vở múa cuối cùng cũng được biểu diễn vào đầu tháng 9.1996 tại TP.HCM sau nhiều trì hoãn, sóng gió đã thực sự chuyển thành cơn bão, đúng hơn thành một thứ thuốc thử về sự vô tư mở lòng đón nhận cái mới, đón nhận nỗ lực cách tân, sáng tạo, hay là ngược lại. Nó là một thứ thuốc thử đối với công chúng thưởng ngoạn, với giới hoạt động và phê bình nghệ thuật, với giới báo chí, buộc họ phải chọn lựa đứng về phía này hoặc phía kia - thậm chí ngay trong một tờ báo. Có ý kiến khen việc đưa 14 cụ bà nông dân lên sân khấu nhưng chê vở múa vì ngôn ngữ múa quá lạ lẫm so với những quạt, những sạp, những áo váy sặc sỡ, những động tác điệu đàng quen thuộc. Nào là: “múa gì mà động tác co giật như động kinh”, “múa gì mà chỉ hai màu đen-trắng” v.v.. Nhưng len lỏi giữa những khen chê chân thành có cả những toan tính dập cho tiêu tan thứ mà người ta không ưa, kể cả bằng việc chụp những cái mũ rất xa lạ với sáng tạo nghệ thuật.

Có nhà lý luận phê bình viết, như một nhát dao chém: “Diễn ở các trời Tây, có thể sẵn một cái nhìn méo mó về dân tộc ta, hoặc là sự tò mò, chuộng lạ, người ta đã tỏ ra thích thú trong việc thưởng ngoạn những “trò lạ” mà Ea Sola đã bày ra trên sân khấu (…) Này nhé: cứ người lắc, kẻ gật, người băm, kẻ chặt, có người rung mình như lên cơn động kinh, rồi tất cả ngửa mặt trông trời, tất cả đeo vào mắt những cặp mắt kính đen mù lòa, tất cả xõa tóc như điên như dại trên sân khấu, tất cả vặn vẹo hình hài, đưa tay khuằm ngón lên trời, rồi nhe răng cười như những người tiền sử... Càng khó hiểu hơn, đó là cảnh những bà mẹ rút trong túi ra những tấm hình của những liệt sĩ, đưa ra trước mặt với vẻ giận dữ, tố cáo, như đòi câu trả lời. Giận dữ, tố cáo và đòi ai trả lời đây? Quả là một bức tranh quá khứ ảm đạm! Và người xem không thể không liên hệ với hiện tại như một sự ám chỉ” (TT 5.9.1996).

Trong khi đó, trên Tuổi Trẻ Chủ nhật (số 35/1996) nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng: “Một vở múa như vậy có thể tranh tài với thế giới và khuyến khích được sự sáng tạo ở Việt Nam. Khi anh đến với nghệ thuật bằng trái tim thì lúc nào anh cũng hiểu được. Nghệ thuật vốn hồn nhiên, nếu mình không hồn nhiên khi tiếp nhận là mình đã giết nó ngay từ đầu, lòng mình có vết mà lại tưởng người ta có vết. Nếu cứ lấy đầu óc phê phán ra để xem, xem để xét nét chẻ sợi tóc làm tư sẽ không nhận được những tín hiệu tình cảm của vở diễn...”.

Và nghệ sĩ Thành Lộc: “Tôi đã xem Hạn hán và cơn mưa hai lần rồi, lúc đi diễn kịch bên Pháp và lần này tại Nhà hát Thành phố, vẫn chỉ một ấn tượng duy nhất: sự xúc động (…) Đặc biệt, đối với tôi, đây còn là một khám phá. Từng đứng trên sân khấu nhiều năm rồi, vậy mà tôi phải nghĩ ngợi nhiều về tư cách “diễn viên chuyên nghiệp” của mình. Tại sao ư? Có lẽ, không chỉ khám phá sự tinh tế của động tác, trên hết là ngọn lửa sáng tạo kỳ lạ trong vở diễn này. Nó làm tôi phải nôn nao. Đừng ai đó làm ra vẻ chứng tỏ “sự hiểu biết”, tạo sự chú ý nào đó để phỉ báng khát vọng sáng tạo của người khác. Buồn lắm.Thực chất, theo tôi nghĩ, đó là thái độ dị ứng với cái mới xuất hiện trong Hạn hán và cơn mưa”. Bà Mai Thục, Tổng biên tập Báo Phụ Nữ Thủ Đô khi ấy, viết: “Cô (Ea Sola) bị “tấn công” dồn dập từ những quan niệm nghệ thuật cổ hủ, ngưng trệ. Và cả thói ngạo mạn của những người đi trước, có tý quyền lực, luôn nghĩ mình là “cái rốn của vũ trụ”, “nhất quả đất”…” Tôi khuyên cô: “Đừng sợ! Em cứ kiên nhẫn theo đuổi màn kịch múa đầy sáng tạo mang phong cách châu Âu hiện đại, kết nối, vực dậy truyền thống Việt Nam”.

Là người phụ trách tòa soạn Báo Tuổi Trẻ Chủ nhật lúc ấy, chúng tôi cùng một số những đồng nghiệp khác của Tuổi Trẻ, của Phụ Nữ TP.HCM cũng không tránh khỏi cơn bão. Nhìn thấy ở vở diễn một thử nghiệm cách tân ngôn ngữ múa vốn vẫn đơn điệu cho đến lúc ấy và nhìn thấy ở tác giả vở diễn một tấm lòng thành, chúng tôi tin rằng mới lạ chưa chắc lúc nào cũng hay, nhưng một khi đóng cửa lòng mình lại, khước từ đón nhận cái mới thì mọi cố gắng sáng tạo, cách tân coi như bị kết án tử và hoạt động nghệ thuật chỉ còn là cái ao tù buồn chán.

Buồn cho thái độ của một số người không phải không có hiểu biết đối với vở diễn, với sự tìm tòi sáng tạo; buồn cho cách đối xử “đẩy ra” thay vì “ôm vào” tấm lòng của một người con xa quê thiết tha với nghệ thuật nước nhà, trong một buổi tối gặp mặt thân tình với Ea Sola tại nhà riêng của một người bạn sau cơn sóng gió, chúng tôi cũng chỉ biết ngậm ngùi nói lời an ủi không bằng lời và cũng chỉ mong góp chút sức mình làm điểm tựa cho tác giả vở múa trên hành trình khai phá, sáng tạo, mặc dù như chúng tôi cảm nhận, tác giả có thừa nghị lực. Trong thâm tâm, chúng tôi cũng chỉ mong một ngày nào đó cơn hạn hán của lòng đố kỵ, thói ngạo mạn và sự ngưng trệ như bà Mai Thục nói sẽ bị đẩy lùi trên cánh đồng nghệ thuật và trong lòng người, để những cơn mưa mát rượi sẽ đổ xuống tưới tắm cho nghệ thuật khai mở xanh tươi, mới lạ, và cho lòng người, những người con Việt dù ở trong hay ngoài nước, có cơ hội hòa hợp.

Giờ, 40 năm sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, 20 năm sau Hạn hán và cơn mưa, tuy rải rác đã có những cơn mưa nhưng công chúng vẫn luôn chờ dứt hẳn hạn hán, chờ thêm những cơn mưa thực sự tươi mát trên cánh đồng nhọc nhằn của đất nước và của sáng tạo nghệ thuật. Nói vậy liệu có thừa? Đừng quên, sau Hạn hán và cơn mưa thì Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư và còn có thể kể thêm những trường hợp khác cũng đã từng phải trải qua cơn hoạn nạn từ cái nhìn hẹp hòi của định kiến, đố kỵ và ý thức hệ xơ cứng, xa lạ với sáng tạo nghệ thuật vốn đòi hỏi những đầu óc và tấm lòng rộng mở.

Đoàn Khắc Xuyên