Thực hành Tonglen

Tâm Từ và Tonglen

Những thứ khiến ta mê say hẳn phải có một năng lượng ghê gớm. Do vậy, ta sợ. Ví dụ như, nếu như bạn rụt rè, bạn rất sợ phải nhìn thẳng vào mắt người khác. Và để làm được điều này, bạn mất không ít năng lượng. Đó là cách bạn tự giữ mình lại. Khi thực hành tonglen, bạn sẽ có cơ hội sở hữu cách thức đó một cách trọn vẹn, không đổ lỗi cho ai cả, mà quyện nó vào trong chính hơi thở ra của mình. Như thế bạn sẽ hiểu rõ một điều rằng khi một người nhìn bạn với ánh mắt dữ tợn, có thể không phải là do họ ghét bạn mà bởi vì chính họ cũng đang rất rụt rè. Với cách này, thực hành tonglen là tập thân thiết với chính mình cũng như tập mở lòng thông cảm với người khác.

Bằng cách thực hành tonglen, ta có thể mở rộng tâm cảm thông với mọi người. Bạn bắt đầu hiểu người khác sâu hơn. Nỗi đau của bạn như là một viên gạch nâng trái tim bạn rộng mở hơn. Trái tim rộng mở bắt đầu bằng cách tạo thêm không gian để nối kết trực tiếp với nỗi khổ niềm đau cụ thể – có thể của mình hay của những người khác. Luyện tập ngày càng nhiều, chúng ta sẽ hiểu ra rằng, khổ đau là điều phổ quát, ai cũng phải chịu.
Với những người đang quá bối rối, hãy nghĩ đến họ mà chúng ta thực hành tonglen thay họ. Nên nhớ rằng, thực hành tonglen nơi nào lòng trắc ẩn phát sinh, bởi vì chúng ta đang đặt mình vào tình huống của người khác. Giả sử thế này, chúng ta rất giận dữ, đố kỵ và cô đơn. Vì cô đơn, chúng ta thường thốt lên những lời nói thô lỗ, vì chúng ta đang muốn được yêu thương nên chúng ta sỉ nhục họ. Thực hành tonglen, tức là hoán đổi vị trí của mình với người khác, bắt đầu khi mình biết người khác là ai, vì ta đang đứng ở vị trí của họ. Không phải vì chúng ta giỏi hơn họ nên có thể hiểu được họ, mà bởi vì chúng ta đều là con người, và cùng trải nghiệm những tâm trạng này. Càng hiểu mình nhiều thì chúng ta có thể hiểu người càng nhiều hơn.

“Nếu bạn vẫn thực hành được ngay cả khi bị phân tâm, thì bạn đã được rèn luyện tốt”

Khi rơi vào tuyệt vọng, chúng ta có thể đột nhiên nhớ lại khẩu hiệu: “Nếu bạn vẫn thực hành được ngay cả khi bị phân tâm, thì bạn đã được rèn luyện tốt”. Chúng ta có thể thực hành được trong những lúc ta đố kỵ, phẫn nộ, khinh bỉ, khi ta đang rất ghét chính mình, thì chúng ta đã được rèn luyện tốt. Xin nhắc lại, thực hành tonglen có nghĩa là chúng ta không tiếp tục nuôi dưỡng những thói quen thường trói buộc chúng ta, mà phải làm tất cả những gì có thể để lay động được mình, thổi ra bên ngoài tâm lý tự biện hộ và khiển trách. Chúng ta cố hết sức để giữ năng lượng mạnh mẽ mà không cần thể hiện ra bên ngoài hay đè nén. Dần dần, những thói quen sẽ yếu và mất đi.
Tất nhiên, những thói quen của chúng ta khá bền vững, quyến rũ và tạo cảm giác dễ chịu. Chỉ có mong muốn những thói quen này được hoá giải đi vẫn chưa đủ. Chú tâm và tỉnh thức mới là chìa khóa của vấn đề. Chúng ta có thấy những câu chuyện và các vấn đề mình đưa ra có hợp lý không? Khi chúng ta bị những cảm xúc mạnh mẽ chi phối, chúng ta có còn nhớ rằng đó là một phần của con đường ta đi không? Chúng ta có nhận biết được những cảm xúc ấy và hít vào tâm mình, cho chúng ta và cho người khác không? Nếu chúng ta vẫn nhớ được và thực hiện những điều này, dù chỉ là thỉnh thoảng, thì chúng ta đang tập luyện như một người dấn thân rồi đó. Và ngay cả khi chúng ta không thể thực hành khi chúng ta bị phân tâm, nhưng nhận biết được mình không thể, thì thật ra chúng ta cũng tập luyện tốt rồi. Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của việc nhận thức với tâm bi mẫn những gì đang xảy ra.

Thực hành sâu Tonglen

Trong việc thực hành tonglen, sau khi thực sự nối kết với nỗi đau, bạn có khả năng mở lòng và để cho những nỗi đau ra đi, bạn thực hành bước tiếp theo là làm tương tự như vậy cho tất cả chúng sinh. Đó là chìa khóa của tonglen, sự trải nghiệm của bản thân về niềm vui và nỗi khổ trở thành con đường để ta nhận ra sự giống nhau giữa mình và tất cả chúng sinh. Thực hành tonglen là cách bạn có thể chia sẻ niềm vui và nỗi khổ của tất cả những người đã, đang và sẽ sống.
Bất kỳ cảm giác không thoải mái nào ta cảm nhận được cũng đều có ích cả.  "Tôi khổ sở, tôi chán nản. Được rồi. Hãy để tôi cảm nhận trọn vẹn nỗi khổ này để không còn ai khác phải chịu khổ, để mọi người đều được bình yên”. Con tim ta bắt đầu được đánh thức, bởi vì với tâm nguyện ấy, ta thấy rằng: "Những đau khổ này có thể giúp ích cho những người khác bởi vì ta có đủ dũng cảm để cảm nhận trọn vẹn nỗi khổ đó để không còn ai cảm thấy khổ nữa”. Niềm vui mà bạn cảm nhận, cảm giác bạn có thể mở lòng ra và buông xả cũng là một cách bạn tạo mối quan hệ với những người khác. Cùng với hơi thở ra, bạn nghĩ, "Hãy để tôi cho đi những điều tốt đẹp và chân thật mà tôi cảm nhận được, cảm nhận về những điều hài hước quanh ta, ngắm bình minh và hoàng hôn mỗi ngày và thưởng thức những điều thú vị trong thế giới này để mọi người cùng chia sẻ và cảm nhận”. 
Nếu như ta sẵn lòng – dù chỉ trong một giây ngắn ngủi mỗi ngày – phát tâm sử dụng niềm vui và nỗi buồn của mình để giúp người khác, thì bạn thực sự có khả năng làm được điều đó và làm nhiều hơn thế nữa. Chúng ta thực hiện điều này trong mọi tình huống. Bắt đầu với chính bản thân mình. Bạn có thể mở rộng việc thực hành các tình huống mà lòng từ bi khởi lên một cách tự nhiên, hoán đổi mình với một người nào đó bạn muốn giúp đỡ. Sau đó, bạn thử ở một mức cao hơn, khó hơn, nơi mà lòng từ bi không nhất thiết phải là phản ứng đầu tiên của bạn.
PEMA CHODRON - THUỶ DUNG dịch