Không làm tổn hại

Học cách không làm tổn hại cho chính mình và cho người khác là một bài học căn bản trong nhà Phật. Tính ôn hòa luôn có sức mạnh chữa trị. Một xã hội văn minh là một xã hội mà nơi đó không có tình trạng người này hãm hại người khác. Đó mới là một thế giới thực thụ. Thế giới đó được bắt nguồn từ những công dân ôn hòa, và đó là chúng ta. Điều gây hấn nhất mà ta có thể làm cho mình, điều nguy hiểm nhất mà chúng ta có thể gây ra cho mình, là si mê, không có dũng khí và tự trọng để nhìn vào chính mình một cách chân thật và nhẹ nhàng.

Tiền đề của việc không gây hại là tỉnh thức, tức là dù ta nhìn việc gì thì cũng phải nhìn rõ với sự tôn trọng và niềm cảm thông. Điều này ta học được trong những bài thực hành. Nhưng mà tỉnh thức không chỉ dừng lại trong giờ thực hành thiền nghiêm túc. Tỉnh thức giúp ta ý thức rõ mọi chi tiết trong cuộc sống của mình. Nó giúp ta nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy chứ không che mắt, che tai, che mũi. Đó là một hành trình kết nối chân thật với những trải nghiệm hiện tiền, và giúp ta đủ tôn trọng để không phải phán xét điều gì. Khi ta trở nên toàn tâm toàn ý hơn trong hành trình chân thật và nhẹ nhàng này, thì ta sẽ cảm thấy rất ngỡ ngàng khi nhận ra rằng ta đã từng rất mù quáng và vô tình gây hại cho mình hay người khác.

Thật đau lòng khi biết rằng mình đã gây hại cho người khác, và cũng phải mất một thời gian để có thể bình tâm lại. Ta biết đau vì chúng ta đã cam kết thực hiện sự cảm thông và nhẹ nhàng, giác ngộ và tỉnh thức. Nhờ tỉnh thức, nên chúng ta nhận ra tham, sân, si của mình. Chúng ta không can thiệp, mà chỉ nhìn thấy thôi. Nếu không có tỉnh thức, chúng ta không bao giờ nhận ra những điều đó và chúng sẽ nảy nở sinh sôi.
Pema Chodron
Thuỷ Dung dịch
>>> Thích nghi với vô thường 0 | 123 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 |