Một
trong những điều tôi suy tư và thấy lợi ích cho mình là bắt đầu mọi việc ngay
bây giờ và ở đây, ngay chỗ mà ta đang đứng. Chúng ta nên bắt đầu ngay bây giờ
và ở đây để có khả năng nhận ra thân thể, tình cảm và tâm thức mình ra sao ngay
trong giây phút hiện tại, thay vì bắt đầu từ chỗ “Thầy Sumedho dạy hãy lắng
nghe tiếng gọi thinh không mà con đâu có nghe gì đâu – Ngài muốn nói gì với tiếng
gọi thinh không?” Tiếng gọi thinh không là chuyện khác. Điều quan trọng ở đây
không phải là tiếng gọi thinh không hay bất cứ điều gì khác, mà là nhận chân sự
thật như nó đang là ngay bây giờ. Vì vậy, dù quý vị đang ở trong bất cứ trạng
thái tâm thức nào, ví dụ đang phân vân không biết Thầy Sumedho đang nói gì, nếu
quý vị đang ý thức được rằng quý vị đang suy nghĩ như vậy, đó chính là tỉnh thức.
Hãy
lắng nghe chính mình và ghi nhận mối quan hệ giữa niệm giác (sati, mindfulness)
và quá trình tư duy hoặc những phản ứng của cảm xúc mà chúng ta đang trải nghiệm,
và sử dụng cách nhìn “nó là vậy” hay “chúng là vậy,” mà không phán xét gì cả. Sự
thật vốn như vậy, là vậy đó. Tôi nhớ tôi có đọc về thiền Zen, nói về tánh như
thị. Tôi nghĩ, “như thị là gì?” bởi vì lúc đó với tôi khái niệm như thị chẳng
có ý nghĩa gì cho lắm. Trong tiếng Pali, có từ tatha. Đức Phật tự gọi mình là
tathagatha, nghĩa là như vậy, như thị, chứ không nói “Tôi là Gotama, là Phật,
là con của Hoàng Hậu Maya và Vua Suddhodana ở Lumbini, và khi tôi sinh ra tôi
đã bước bảy bước trên bảy đóa sen.” Vì vậy, sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật
không thấy có Gotama, không có ai và chẳng có gì cả, mà ngài chỉ thấy như vậy
ngay bây giờ, ngay trong giây phút hiện tại. Như vậy, từ tathata có nghĩa là
như vậy, như thị.
Có
lần tôi hỏi trưởng lão Buddhadasa, ngài muốn gì khi ngài được ở trên một hòn đảo
vắng, ngài đáp rất gọn rằng “pen yang nun eng,” “thì cứ như vậy,” “đạo vốn như
vậy,” tatha. Tâm đó là tâm thiền, chứ không phải là tâm tạo tác, phải không?
Tâm đó không phân tích, không suy biện, không hình dung, không định nghĩa, hay
bất cứ một ý tưởng tạo tác nào. Đó chỉ là sự sử dụng ngôn ngữ để giúp chúng ta
biết nhìn, để nhắc nhở chúng ta, bởi vì những gì chúng ta đang trải nghiệm ngay
lúc này là như vậy, cho nên đó là câu nói chân thật. Có người nói “ông/bà biết
không, tôi có thể nhớ lại đời trước đó” hoặc có người nói về những kinh nghiệm
lạ thường, và họ muốn biết thực chất những kinh nghiệm đó là gì và chúng có ý
nghĩa gì. Dù cho đó là những điềm lạ từ một thiên hà nào khác, một ký ức về
ngày hôm qua hay trước nữa, một trạng thái, một tình cảm, điều chúng ta cần làm
là nhận ra chúng, chúng ta tiếp nhận chúng, chúng vốn như vậy: tatha, như vậy
đó.
Đây
chẳng phải là cách lẫn tránh, mà là cách tiếp nhận đơn thuần. Bởi vì khi chúng
ta có kinh nghiệm lạ, chúng ta muốn chứng tỏ “những kinh nghiệm phi thường đó đã
đến với tôi,” và chúng ta muốn thả mình trong những trải nghiệm tâm thức lạ thường
thú vị đó. Giả như đó là những ý tưởng, những ký ức, những trạng thái tâm lý
tiêu cực tái hiện buồn tẻ, thì nó cũng vốn là vậy thôi. Do đó chúng ta cần học
cách nhìn này, sử dụng câu pháp này: “sự sống là vậy.” Tatha là từ nhắc chúng
ta, chỉ cho chúng ta rằng chúng ta không nỗ lực tạo tác thêm điều gì từ sự sống,
không chối bỏ sự sống, không phủ nhận sự sống, không thổi phồng sự sống. Bất cứ
điều gì chúng ta đang cảm nhận được ngay lúc này, dù chúng ta có thích hay
không thích, dù cảm nhận đó tạo phấn khích hay gây chán nản, đúng hay sai, khôn
hay dại, nó vốn là vậy ngay trong giây phút này. Thế nên nhận chân nó vốn là vậy
là một nhận định chân thật. Không sai khác được.
Nếu
quý vị hỏi rằng “thế có nghĩa là gì, công lý là gì?” và quý vị nghĩ rằng “Ồ,
tôi nghĩ thế này…” Nhưng khi quý vị hỏi một nhà sư, thì nhà sư nói “không,
không, tôi thì nghĩ như thế này…” Và khi quý vị hỏi một sư cô khác thì sư cô lại
nói “không, không, như thế là sai rồi, nó không phải như vậy.” Quý vị có thể
gom đủ loại quan điểm và ý kiến về điều này điều kia, về những gì chúng ta nghĩ,
rằng có ý nghĩa, rằng vô nghĩa, rằng đúng rằng sai, rằng phải rằng quấy, rằng
hư rằng thực. Rồi chúng ta tạo tác thêm lên, chúng ta thêm quan điểm cá nhân của
mình vào nữa. Nhưng nó là vậy, không cần phải chối bỏ hay dàn xếp gì cả. Chỉ tiếp
nhận thôi. Chỉ nhận chân rằng tất cả mọi thứ đều đến rồi đi, tất cả mọi thứ đều
hiện rồi tan, tất cả mọi thứ đều sinh rồi diệt – sabbe sankhara anicca. Đức Phật
thấy Pháp như vậy đó.
Có
cái không sinh, không tạo, không thành, không phát; vì vậy có sự giải thoát khỏi
cái sinh, cái tạo, cái thành, cái phát. Nếu không có cái không sinh, không tạo,
không thành, không phát; thì không có sự giải thoát khỏi cái sinh, cái tạo, cái
thành, cái phát. Nhưng vì có cái không sinh, không tạo, không thành, không
phát; nên có sự giải thoát khỏi cái sinh, cái tạo, cái thành, cái phát. (Udana
VIII.3).
Từ
lâu câu kinh này đã gợi cảm hứng cho tôi. Hồi đó với tôi câu kinh này có nhiều
ý nghĩa. Câu kinh chỉ ra vấn đề trong nghĩa có sinh và không sinh, có tạo và
không tạo, có phát và không phát. Những cái có sinh, có tạo, có thành, có phát
là các pháp tạo tác, pháp hữu vi, đúng không? Những gì chúng ta thấy, nghe, ngửi,
nếm, chạm, nghĩ, cảm, hoặc là tứ đại: đất nước lửa gió, hoặc là ý tưởng, trí nhớ,
tình cảm, hoặc vui hay buồn hay không vui không buồn, hoặc là thân thể, nói
chung, tất cả kinh nghiệm, tất cả vũ trụ, thảy đều có sinh, có tạo, có thành,
có phát cả. Có nghĩa là tất cả, tất cả mọi thứ mà chúng ta có thể nghĩ, tưởng,
cảm, và kinh nghiệm đều có tạo tác… nhưng có sự giải thoát khỏi sự tạo tác đó.
Có cái không sinh. Và chúng ta thử quán chiếu cái gì là không sinh, không tạo,
không thành, không phát. Đó có phải là một thực tại siêu hình mà một ngày nào
đó tôi sẽ hiểu ra và chúng ta có thể hình dung ra. Chúng ta hãy thử hình dung
ra cái không tạo tác đó.
Bây
giờ thì hãy hình dung ra những điều kiện tạo tác: đỏ, xanh, trắng, đen, tím,
vàng, mọi thứ, mọi điều, trừu tượng hay cụ thể, to hay nhỏ, đại hay tiểu. Hết
điều này, đến điều kia. Thế giới tạo tác luôn luôn là như vậy. Chúng ta thì cứ
phân biệt. Với công nghệ hiện đại, chúng ta phân loại, sắp xếp hiện tượng, nhập
vào máy vi tính, đưa lên mạng lưới thông tin. Hiện tượng cứ diễn ra. Mọi sự trở
nên rõ ràng. Nhưng đằng sau những điều đó, chúng ta hãy tự hỏi mình, ngay lúc
bây giờ, cái gì là cái không sinh, không tạo, không thành, không phát? Thử hình
dung ra điều gì là không sinh không tạo. Tâm tôi trở nên rỗng không. Bởi đó là
sự phủ nhận của cái có sinh, có thành, có phát.
Chúng
ta có thể hình dung ra những hình tướng. Chúng ta cũng có thể hình dung ra cái
trừu tượng, như cái không tạo không sinh, nhưng đó chỉ là sự tưởng tri của trí
não thôi, đúng không? Nhưng tại sao Đức Phật lại chú ý đến vấn đề đó? Ngài chỉ
ra cái bây giờ và ở đây, đó là sự tỉnh thức ngây bây giờ và ở đây. Trong kinh
có câu: Tỉnh thức là con đường bất tử. Vậy bất tử là gì? Có phải là có một cõi
vĩnh hằng nào ngoài kia chăng, một cõi niết-bàn nào đó ngoài kia mà chúng ta có
thể tưởng tượng ra được chăng? Chúng ta có thể tưởng tượng ra một cõi như thế,
nhưng “cõi bất tử” nghĩa là gì?
Quý
vị thấy đó, quá trình tư duy có thể kéo chúng ta đi xa như vậy đó. Quá trình tư
duy có thể đi vào thế giới có sinh có tạo có thành có phát, và đó là tất cả những
gì khoa học có thể làm được, đúng không? Khoa học có thể can thiệp vào sự tồn tại
của từng hạt nhân nguyên tử, v.v… Khoa học càng lúc càng tinh vi, càng trở nên
tuyệt vời theo cách riêng của khoa học. Nhưng khoa học cũng kinh khủng bởi vì
chúng ta thao túng thế giới tạo tác mà trong đó chúng ta đang sống, và chúng ta
thiếu trí tuệ: đâu là giới hạn, đâu là chỗ dừng? Đây cũng là thử thách về đạo đức
hiện nay. Đâu là cương giới đạo đức của chúng ta? Ví dụ như trường hợp phá
thai: khi nào thì phôi thai hay trứng noãn trở thành một sanh linh? Khi nào
hành động đó là hành vi sát hại? Làm sao chúng ta ấn định được ranh giới trong
những tình huống như vậy? Hay một ví dụ khác: tắt máy có chức năng giữ cho cơ
thể sống khi não bộ đã chết. Cách đây vài tháng, đây là một vấn đề nan giải ở Mỹ.
Có nhiều ý kiến và quan điểm về vấn đề sinh tử này.
Còn
cái không sinh, theo tôi, Đức Phật đã nói rất rõ, đó là tỉnh thức, tỉnh giác,
sati-sampajanna. Tỉnh thức là con đường bất tử (Appamado amatapadam). Đó là lý
do tại sao học để nhận ra tỉnh thức là gì không phải là định nghĩa tỉnh thức
hay làm điều gì khác mà là hãy tỉnh thức. Đây là chỗ mà chúng ta phải tin tưởng,
tin tưởng vào ngay những điều mà chúng ta đang thực tập, bởi vì đó không phải
là điều mà tôi có thể giải thích hoặc có thể chỉ cho quý vị thấy được. Tôi đang
ngồi đây, với chánh niệm, tỉnh thức, nhưng quý vị có thể nghĩ tôi đang ngôi đây
với đủ loại vọng tưởng trong tâm. Có thể vậy… Nhưng làm sao quý vị có thể biết
được tôi đang tỉnh thức hay đang thả hồn nếu tôi cố giữ một dáng vẻ khó dò? Đức
Phật thì dùng các từ vô ngã, anatta, không, sunnata, vô chấp, niết-bàn. Những từ
này đều mang nghĩa phủ định. Niết-bàn là gì? Đó là trạng thái khi chúng ta nhận
ra và chứng thực sự vô chấp. Chúng ta phải nhận ra thế nào là chấp trước trước
khi chúng ta có thể nhận ra thế nào là vô chấp…
Mục
đích của quá trình tu tập là để chứng thực niết-bàn. Và tâm lý có thể nảy sinh
trong tâm chúng ta là “Tôi muốn đạt được niết-bàn ngay lập tức. Tôi không muốn
ngồi ở đây vì ngồi thế này đau chân và tôi không có thời gian để đợi một cách
kiên nhẫn. Chúng ta nôn nóng và muốn đạt được niết-bàn ngay bây giờ. Thực ra, nếu
chúng ta kiên nhẫn, tỉnh thức trong giây phút hiện tại, thì tâm sẽ trở nên rỗng
nhẹ. Tâm dừng nghỉ trong trạng thái quân bình, tiếp nhận một cách kiên nhẫn –
không tìm kiếm điều gì, không làm gì cả và không bị trói buộc vào điều gì cả. Chúng
ta chỉ giữ thái độ và trạng thái tỉnh thức quân bình, cởi mở, lắng nghe, tỉnh
giác, tỉnh thức hoàn toàn.
Tất
nhiên, nhiều điều lại nảy sinh bởi vì chúng ta đã quen theo con đường đó. Tâm
lý chán nản khởi lên, sợ sệt và bất an khởi lên, v.v. Nhưng đừng nản lòng vì những
tâm lý đó, vì chúng vốn vậy. Chúng ta phải đặt mình vào vị trí của một người tỉnh
thức thấy pháp hơn là cứ thắc mắc tại sao các cảm thọ thế này cứ nảy sinh; tại
sao tôi cứ cảm thấy bực giận thế này; tôi đã thực tập nhiều năm, tại sao tôi
không nhận chân được thật pháp. Dù cho những ý tưởng như vậy cứ nảy sinh, chúng
vốn như vậy. Thực ra chờ đợi một trạng
thái tỉnh thức quân bình có nghĩa là chúng ta đang mong một điều gì đó sẽ diễn
ra. Khi nào điều đó sẽ diễn ra? Chúng ta mong đợi điều đó, nhưng điều đó có thể
không diễn ra, và chúng ta nghĩ rằng “ồ, tôi không thích như vậy.”
Ngay
cả tâm lý mong đợi đó có thể được nhận ra nếu chúng ta tin tưởng vào sự tỉnh thức
của mình. Chúng ta có thể nhận ra rằng chúng ta đang thực tập để đạt được điều
gì đó. Tôi đang tu thiền để thanh lọc mọi nhiễm ô và để đạt được niết-bàn. Tôi
vô minh, tôi ô nhiễm, tôi phải tu tập để tẩy sạch ô nhiễm, không còn vô minh, để
trở nên giác ngộ.
Quán
chiếu như vậy sẽ giúp chúng ta nhận ra mối quan hệ giữa sự tỉnh thức và quá
trình tư duy. Khi có điều gì đó làm cho tôi giận, hoặc khi ai đó xúc phạm đến
tôi, nếu tôi nhìn vào trạng thái giận đó thì sự tỉnh thức không phải là giận. Tỉnh
thức không bao giờ là cơn giận, nhưng đối tượng của sự tỉnh thức đó có thể được
gọi là cơn giận. Tỉnh thức là như vậy, không cần tạo tác, không phải ý tưởng trừu
tượng mà chúng ta có thể tạo ra. Mà tỉnh thức là điều chúng ta có thể nhận ra.
Thực chất của tỉnh thức là như vậy đó. Do đó hãy lắng nghe, thực sự lắng nghe
chính mình để nhận ra sự tỉnh thức đó.
Kinh
có ghi lời Đức Phật rằng, “con đường bất tử đã mở.” Tôi ghi nhớ lời tuyên bố
này vì nó có nhiều ý nghĩa đối với tôi. Vậy con đường bất tử đã mở có ý nghĩa
gì? Có con đường nào ngoài kia chăng? Sau gần 25 thế kỷ, quá lâu rồi, con đường
vẫn còn mở hay đã đóng rồi? Nhiều người trong chúng ta đã thực tập chuyên chú,
đã theo nhiều khóa tu, đã thực hành thiền nhiều năm, nhưng chúng ta đã làm gì?
Có phải chúng ta luôn luôn muốn đạt được điều gì đó chăng? Có phải chúng ta muốn
thanh lọc tâm, muốn đạt được định, muốn hết phiền não, muốn được bình an? Mục
đích của thiền là gì? Mục đích của tôi khi trở thành nhà sư là để đạt được niết-bàn
mặc dù lúc đó tôi chẳng hiểu gì về mục đích đó cả. Đó là hướng đi của tôi. Nhưng
trong quá trình tu tập, biết bao điều không như ý nảy sinh. Nhưng tất cả những
điều đó đều là cái tạo tác, có sinh, có thành, có phát. Tất cả những kinh nghiệm
của thân của tâm đều có sinh, có thành, có tạo, có phát. Chỉ có sự tỉnh thức vượt
ra vòng sinh thành tạo phát đó. Khi tôi niệm “con về nương tựa Phật” là tôi tâm
niệm mình quay về nương tựa trong sự tỉnh thức đó. Tỉnh thức để thấy mọi sự vật
hiện tượng như thật.
Thiền
sư Luang Por Chah có nghệ thuật giúp chúng ta nhìn sự vật hiện tượng như thật rất
hay. Ngài có kỹ năng đặc biệt. Người ta từng phân vân không biết làm sao mà tôi
có thể học được với ngài trong những năm đầu vì chúng tôi không dùng cùng ngôn
ngữ, làm sao ngài dạy? Phần nhiều là qua trực giác và bằng cách nào đó ngài hiểu
được tâm tôi và khéo giúp tôi tỉnh thức trong hiện tại, bây giờ và ở đây. Từ đó
tôi bắt đầu nhận ra cái khổ, cái khó mà tôi tự tạo ra cho mình. Ở Thái, lúc đó,
thức ăn, nóng nực, muỗi mòng đều là khổ. Tôi khổ vì trời quá nóng, tôi khổ vì
thức ăn quá tệ. Đó là tâm chưa tu. Bây giờ, tôi ở Anh, thức ăn tốt, điều kiện tốt,
tôi thích khí hậu ở đây, nhưng tôi vẫn khổ, hay nói đúng hơn, đây là cái khổ
tôi tự tạo ra cho chính mình. Khổ đó do tôi vô minh và tạo ra mà thôi. Bây giờ
tôi vẫn không thích muỗi, nhưng tôi không tạo ra đau khổ cho mình vì muỗi.
Không phải do tôi tu thiền lâu và bây giờ tôi thích muỗi. Sự thay đổi nằm ở chỗ
tôi tin vào sự tỉnh thức hơn là tin vào cái nhìn chủ quan của tôi về muỗi. Vì vậy
tôi có thể chịu đựng với muỗi, với thức ăn tệ, với nóng với lạnh. Tôi có thể chịu
đựng đau bịnh, chịu được thất vọng, mất mát, phê phán, trách cứ. Tất cả những
điều này đều có thể chịu được nếu tôi không tạo ra đau khổ cho mình từ những điều
đó.
Một
khi tôi phát triển sự tỉnh thức như một chỗ nương tựa thực sự vững chắc, tôi bắt
đầu ung dung đương đầu với những tình huống mà trong đó tôi bị phê phán, những
tình huống mà trước đó tôi không thể nào chịu đựng nổi vì tôi không thể chấp nhận
phê phán. Khi người ta bắt đầu tìm lỗi và trách cứ tôi, tôi thường nổi giận và
bực tức, tôi cảm thấy xúc phạm và không biết phải phản ứng thế nào. Tôi cảm thấy
bị hiểu lầm và ép uổng. Dù sự phê phán là có lý hay méo mó, tôi đều không chấp
nhận được. Tôi sợ bị phê phán, bị phủ ép, bị trách cứ.
Thật
ra, khi chúng ta sống trong cộng động, người ta thường tìm lỗi của người khác.
Xã hội là vậy. Tôi không thể mong người ta phải tôn kính mình và tôi cũng không
mong muốn điều đó. Tôi không muốn có một cộng đồng đầy những người bợ đỡ xun
xoe. Họ thích chúng ta một thời rồi họ cũng tìm đủ mọi lỗi lầm nơi chúng ta. “Ngài
đúng là một vị thầy tuyệt vời, Ajahn Sumedho.” Được vậy thì tốt. Nhưng rồi họ lại
nói, “Tôi không thể tin ông được nữa.” Kiểu này thật khó mà chấp nhận được phải
không? Khi tôi đã có niềm tin trong sự tỉnh thức, tôi có thể chấp nhận phê
phán, phủ bác hay chê trách, cho dù sự phê phán đó hoàn toàn không công bằng
hay sai trái. Chỗ nương tựa của tôi là sự tỉnh thức, chứ không phải là hình ảnh
của tôi hay những điều kiện xung quanh tôi. Chỗ nương tựa của tôi là Phật là
Pháp là Tăng, là hiện thân của sự tỉnh thức, chứ tôi không nương tựa vào chỗ được
thích, được thương, được hiểu hay được tán thán. Được thích, được thương, được
hiểu hay được tán thán cũng tốt, nhưng đó không phải là chỗ nương tựa. Do đó,
đây là chỗ mà chúng ta có thể tự giải thoát mình khỏi những khổ đau trên cuộc đời
trong khi chúng ta còn phải sống giữa cuộc đời này và luôn là một phần của xã hội.
Không
phải chạy khỏi cuộc đời, trốn khỏi xã hội để vào thâm am tuyệt cốc. Không phải
cho rằng tôi đã chán ngán đủ với cuộc sống này rồi, chẳng có gì luyến tiếc với
cuộc sống này nữa cả, đã quá đủ với phù du và bạc bẽo của nhân tình. Tôi đã nhiều
lần cảm thấy như vậy, nhưng sự tỉnh thức đã làm chỗ nương tựa cho tôi. Quý vị
có thể nghĩ rằng, trong tăng chúng, tất cả chúng ta là những người luôn sống
hòa hiệp và thương yêu lẫn nhau, cùng nhau chia đồng lẽ sống. Nghĩ như vậy là tốt,
vì nương tựa tăng ở đây không có nghĩa là nương tựa nhà sư này hay nhà sư kia,
nương tựa vào người bạn tốt nhất của mình hay người mà mình có thiện cảm, người
hợp tính với mình. Tăng không phải là một người, là một cá nhân. Tăng là cộng động
của những người đi trên con đường tỉnh thức.
Ajahn Sumedho
Giác Kiến dịch