Con đường hài hòa

“Có chánh định thì có tỉnh thức, dù là tâm định đã yên sâu hoặc chưa sâu. Có chánh định thì có chánh niệm và tỉnh giác. Tâm định như thế sẽ đưa đến trí huệ, chắc chắn là như vậy. Người thực hành cần hiểu rõ điều này.”
Hôm nay tôi muốn hỏi tất cả các vị một điều. Các vị đã suy nghĩ kỹ chưa, đã quyết tâm và yên lòng thực hành thiền hay chưa? Tôi hỏi như vậy là vì ngày nay, có rất nhiều người dạy thiền, cả xuất sĩ lẫn cư sĩ. Vì lẽ đó, tôi e rằng các vị có thể nghi ngờ và dao động. Khi nào chúng ta hiểu rõ về việc thực tập của mình, chúng ta mới yên lòng và giữ tâm vững chãi được. Các vị cần hiểu con đường bát-thánh-đạo không khác với con đường đạo đức, thiền định và trí huệ. Ba yếu tố đạo đức, thiền định và trí huệ phát triển đồng thời cũng như tám yếu tố của bát-thánh-đạo hỗ trợ nhau phát triển vậy. Chúng ta thực tập cốt yếu là nhằm phát triển tám yếu tố này bên trong chúng ta.  
Khi ngồi thiền, chúng ta nên nhắm mắt lại, không nhìn ngó đâu hết, vì lúc thiền là lúc chúng ta nhìn thẳng vào tâm của mình. Nhắm mắt lại, sự chú ý sẽ hướng vào trong. Khi chú ý tập trung trên hơi thở, sự cảm nhận và tỉnh thức sẽ có mặt ở đó. Khi các yếu tố của bát-thánh-đạo phát triển hài hòa, thì sự hài hòa đó sẽ giúp chúng ta có khả năng ghi nhận hơi thở, cảm thọ, tâm thức và các trạng thái tâm lý một cách rõ ràng. Chú tâm ghi nhận rõ ràng như vậy, chúng ta sẽ thấy được “điểm tập trung” mà nơi đó, định tâm và các yếu tố của con đường thánh hòa điệu với nhau.
Khi ngồi thiền, theo dõi hơi thở, chúng ta phải nhớ rằng, chúng ta đang ngồi một mình. Ngồi như không có ai đang ngồi xung quanh. Không có điều gì cả, ngoài ta. Giữ thái độ một mình như vậy cho đến khi tâm thức không vướng bận gì đến thế giới bên ngoài nữa mà chỉ hoàn toàn chú ý đến hơi thở. Nếu chúng ta thấy có người ngồi bên này, có người ngồi bên kia, tâm sẽ không an, và không thể hướng vào bên trong được. Hãy đặt hết tất cả qua một bên cho đến khi nào mình cảm thấy chẳng có ai bên mình, chẳng có điều gì xung quanh để phải dao động hay bận tâm nữa cả. 
Cứ để hơi thở tự nhiên ra vào. Đừng ép hơi thở phải dài hay ngắn. Chỉ ngồi và theo dõi hơi thở vào ra. Khi tâm thức không vướng bận đến bất cứ điều gì bên ngoài, thì những ồn ào như tiếng xe chạy, v.v. không thể làm chúng ta phân tâm. Không có một âm thanh hay hình tướng nào có thể làm tâm dao động nữa vì tâm không tiếp nhận chúng nữa. Sự chú ý đã hòa cùng hơi thở. Nếu tâm dao động và không tập trung trên hơi thở, các vị hãy thở một hơi thở thật đầy, hít vào thật sâu và thở ra cho hết. Thở ba lần như vậy rồi cố gắng tập trung trên hơi thở trở lại. Tâm sẽ trở nên yên lặng.
Thường thì, tâm yên lặng được một lúc, rồi dao động, và phóng tâm lại nảy sinh. Đó là lẽ tự nhiên thôi. Khi tâm dao động, các vị cứ thở đầy, thở sâu và tập trung vào hơi thở trở lại. Cứ tiếp tục như vậy. Hiện tượng này càng diễn ra nhiều lần, chúng ta càng trở nên thuần thục trong việc dẫn tâm trở về, và tâm thức sẽ không còn vướng bận đến những biểu hiện bên ngoài nữa. Những biểu hiện bên ngoài sẽ không chạm được tâm của chúng ta. Khi đó, sati hay niệm sẽ được vững chãi.
Khi tâm trở nên yên lặng, hơi thở cũng sẽ nhẹ đều. Cảm thọ sẽ trở nên êm dịu và cả thân tâm trở nên nhẹ nhàng hơn. Sự chú ý hoàn toàn hướng nội và chúng ta nhận ra hơi thở ra vào rõ ràng hơn. Mọi biểu hiện trong tâm thức cũng trở nên rõ ràng. Đó là lúc Giới, Định, và Huệ đều có mặt. Đây chính là con đường hài hòa. Với sự hài hòa, tâm không dao động và gom về một mối. Đó là samādhi, là định.
Sau khi thực hành theo dõi hơi thở một thời gian lâu, hơi thở trở nên nhẹ đều. Sự tỉnh thức không còn đặc biệt hướng đến hơi thở nữa mà tỉnh thức lúc này chỉ đơn giản là một sự nhận biết đơn thuần. Hơi thở có thể trở nên rất nhẹ, nhẹ như thể không cảm nhận được nữa. Như thể chúng ta chỉ ngồi, và chỉ ngồi thôi chứ không thở. Thực tế, chúng ta vẫn thở, nhưng nó vi tế như không. Chúng ta cảm thấy như vậy bởi vì tâm lúc đó đã trở nên rất yên định và chỉ có sự tỉnh thức đơn thuần mà thôi. Tâm thức đã trở nên vi tế vượt ngoài hơi thở và cái biết rằng ‘hơi thở không còn nữa’ xuất hiện. Vậy đối tượng để định tâm lúc này là gì? Chúng ta hãy lấy cái biết đó làm đối tượng định tâm, tức là, tỉnh thức về sự lặng yên của hơi thở.  
Lúc này có thể có những hiện tượng lạ xuất hiện. Có người có kinh nghiệm này, có người không. Nếu hiện tượng lạ xuất hiện, chúng ta phải giữ tâm giữ niệm tỉnh thức vững vàng. Có người cảm thấy hơi thở không còn nữa và họ hoảng sợ vì tưởng mình đã chết. Ở đây chúng ta chỉ nên ghi nhận trạng thái tâm thức như thực mà thôi. Chúng ta chỉ ghi nhận là không có hơi thở và lấy sự ghi nhận đó làm đối tượng định tâm. Có thể nói, đây là một trạng thái định vững chắc nhất. Và chỉ có một trạng thái tâm thức định tĩnh vững chắc mà thôi. Trong trạng thái định này, ngay cả cơ thể cũng trở nên nhẹ nhàng, như thể cơ thể cũng không còn nữa. Chúng ta có cảm giác như thân thể nhẹ bông và bay bổng. Mặc dù hiện tượng này có vẻ lạ, chúng ta nên hiểu rằng không có gì phải lo ngại cả. Cứ giữ tâm tỉnh thức vững chãi. 
Khi tâm thức hợp nhứt, các tác động thông qua giác quan không thể lay động được và chúng ta có thể an định trong trạng thái tâm thức đó bao lâu cũng được. Các cảm giác đau cũng không tác động đến tâm ta nữa. Khi đạt đến mức định đó, chúng ta có thể xả định bất cứ khi nào chúng ta muốn. Và khi chúng ta xả định, chúng ta xả một cách tự tại, chứ không phải vì buồn chán trong trạng thái định đó. Chúng ta xả vì chúng ta thấy vừa đủ, chúng ta thấy thảnh thơi, chúng ta thấy tự tại.
Nếu chúng ta phát triển tâm định này, thì 30 phút hay 1 tiếng đồng hồ ngồi thiền và nhập định có thể giữ cho tâm ta an định nhiều ngày. Khi tâm an định như thế, tâm đó trong sạch. Khi đó, bất cứ điều gì tác động đến tâm, tâm đều làm chủ và quán chiếu sâu sắc đối tượng tác động đó. Đây là một kết quả của định.
Giới có chức năng của giới. Định có chức năng của định. Huệ cũng có chức năng của huệ. Ba yếu tố này hợp lại như một vòng tròn. Chúng ta có thể thấy rõ chức năng của ba yếu tố này khi tâm an tịnh. Khi tâm an tịnh, thì tâm tự nhiên thâu thúc nhờ sức định và huệ. Tâm càng thâu thúc bao nhiêu, càng trong sạch bấy nhiêu. Tâm càng trong sạch thì giới càng vững.  Khi giới trong sạch thì định phát triển. Định vững chãi thì trí huệ phát sinh. Giới, định và huệ hỗ trợ cho nhau trong quan hệ như vậy. Cuối cùng, giới, định và huệ hiệp thành một con đường và cùng hoạt dụng hài hòa trong mọi lúc. Đó là sức mạnh của tâm. Chúng ta nên phát triển sức mạnh đó, vì sức mạnh đó đưa đến trí và huệ. 

Thiền sư Ajahn Chah


(Giác Kiến trích dịch từ cuốn A Taste of FreedomHương vị Giải Thoát)