Giới thiệu sách: THÍCH NGHI VỚI VÔ THƯỜNG

Cuốn sách này bao gồm 108 bài học thực tế, được tập hợp từ những tác phẩm của Pema Chodron. Đây là những bài học tinh yếu hướng cuộc sống chúng ta theo tinh thần Phật giáo đại thừa. Đại thừa (Mahayana) nghĩa là “cỗ xe lớn”, con đường dẫn dắt chúng ta dần ra khỏi thế giới ngột ngạt của định kiến cá nhân, để đến với thế giới giao hảo rộng lớn của tình người. Những bài học chọn lọc này cho chúng ta một cái nhìn tổng quan của Phật giáo đại thừa, một nguồn hương vị mà thực hành thiền định sẽ mang lại, và những gợi mở bổ ích để ứng dụng cách nhìn và pháp thiền này trong cuộc sống thường ngày.
Pema học từ nhiều vị thầy cũng như từ nhiều giáo pháp. Bà có phong cách riêng, nhưng không một điều nào bà dạy là riêng cả. Lời dạy của bà có ảnh hưởng nhiều từ Chogyam Trungpa Rinpoche, vị Thầy lớn của bà. Trungpa Rinpoche là một trong những người Tây Tạng đầu tiên sử dụng tiếng Anh để giảng dạy Phật giáo cho người phương Tây, kết hợp trí tuệ của hai dòng truyền thừa Kagyu và Nyingma của Phật giáo Tây Tạng với trí tuệ của vương quốc Shambhala.
Shambhala là một xã hội minh triết huyền thoại được khai sáng trên nền tảng nhận thức tính thiện căn bản, thực hành thiền định, tu dưỡng tâm bồ-đề, và đánh thức lòng từ bi. Chuyện kể rằng, vị vua đầu tiên của Shambhala đã học và thực hành lời Phật dạy rồi truyền lại cho các quan thần. Rinpoche gọi truyền thống thiền nhập thế này là “Con đường thiêng liêng của kẻ dấn thân”, nhấn mạnh tố chất thức tỉnh vốn có trong tánh thiện căn bản của con người và thế giới quanh ta. Thực hành thiền định chính là con đường khám phá tánh thiện căn bản và rèn luyện nuôi dưỡng tâm bồ-đề. Với nhận thức này, với thực hành và hoạt động như vậy, ngay cả tình huống thế trần nhất cũng trở thành phương tiện dẫn lối ta đến giác ngộ.
Bắt nguồn từ những nguyên lý phổ biến và thực tiễn hàng ngày, những bài học này đã trường tồn với thời gian, ít nhất là đã hơn hai mươi lăm thế kỷ. Những bài học này không mang tính giáo điều. Người học được hướng dẫn liên tục thực hành, kiểm nghiệm và tự mình trải nghiệm chân lý. Chính vì vậy, những bài học này rất dễ ứng dụng. Diễn đạt bằng bất cứ ngôn ngữ nào cũng được. Đưa vào bất cứ nền văn hóa nào cũng được. Pema Chodron đã tiếp nối truyền thống Phật giáo Shambhala của Trungpa Rinpoche bằng cách mang những nguyên tắc cổ xưa của Phật Giáo kết hợp với truyền thống dấn thân của Shambhala vào thế giới tinh thần và văn hóa hiện đại.
Về bản chất, những bài học này dạy chúng ta phương pháp nhận ra gia tài vốn có của mình và chia sẻ với người khác bằng cách thực hành tỉnh giác. Cái kho báu bên trong (mỗi người) này được gọi là tâm bồ-đề. Nó như một viên ngọc bị vùi sâu trong đất, chỉ được đào lên trong điều kiện chín muồi mà thôi. Tâm bồ-đề thường được thể hiện ở hai dạng: tuyệt đối và tương đối. Tâm bồ-đề tuyệt đối là trạng thái tự nhiên của chúng ta, được xem như tính thiện căn bản nối kết chúng ta với mọi thực thể sống trên hành tinh này. Có nhiều cách gọi dạng tâm bồ-đề này, có thể là: thật tánh, chơn lý, bổn tính, chốn bình yên, tâm thuần thục, hoặc đơn giản là bất cứ điều gì. Tâm bồ-đề tuyệt đối kết hợp những tố chất của lòng từ bi, của chân tâm rộng mở không điều kiện và trí thông minh sắc sảo. Nó không bị kiềm hãm bởi những khái niệm, ý kiến hay nhận thức nhị nguyên phân biệt “ta” với “người”.
Mặc dù tâm bồ-đề tuyệt đối là trạng thái tự nhiên, nhưng chúng ta vẫn cứ bị đe dọa bởi tính chân thật không điều kiện. Tâm ta cảm thấy quá mong manh dễ vỡ đến mức chúng ta phải xây tường thành để bảo vệ. Phải quyết tâm lắm mới có thể thấy và nhẹ nhàng tiếp cận để phá vỡ được những bức tường thành này. Pema cho rằng chúng ta không cần phải “hạ bức tường trong một lần với chiếc búa tạ”. Học cách yên nghỉ với một tấm lòng rộng mở trong tánh thiện căn bản là một quá trình lâu dài. Những bài học sau đây cho chúng ta những kỹ năng nhẹ nhàng và rõ ràng để bước đi trên hành trình này.
Tâm bồ-đề tương đối là lòng dũng cảm và bi mẫn thúc đẩy ta khám phá nội tâm thuần dịu của mình, để cảm nhận và dần dần rộng mở thuần tâm ấy. Điều quan trọng nhất trong việc nuôi dưỡng tâm bồ-đề tương đối là trải lòng ra, sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau. Dần dần chúng ta sẽ nhận chân được những phẩm chất vô hạn vô lượng của tình yêu thương (tâm từ), lòng bi mẫn (tâm bi), niềm an vui (tâm hỷ), và tâm bình thản (tâm xả), rồi rộng mở và hướng những phẩm chất ấy đến mọi người. Rèn luyện cho tâm được như thế đòi hỏi phải có lòng dũng cảm và thiện chí.
Có nhiều cách thực hành giúp ta mở lòng với chính mình và người khác. Cách cơ bản nhất là ngồi thiền. Ngồi thiền giúp ta trở nên gần gũi hơn với bản chất bao la và vô trụ của mình. Một cách thực hành khác cũng rất chính yếu là luyện tâm (lojong theo tiếng Tây Tạng), là phương pháp được truyền thừa từ đạo sư Phật giáo Atisha Dipankara ở thế kỷ XI. Luyện tâm có hai yếu tố. Thứ nhất là tập cho - nhận (tiếng Tây tạng là Tonglen), tức là tập cách nhận nỗi buồn và cho niềm vui. Thứ hai là tập sử dụng khẩu hiệu, tức là sử dụng những câu nói súc tích để thay đổi những thái độ vốn đã là thói quen của mình. Các phương pháp này giúp chúng ta sử dụng và biến những điều tưởng chừng như những chướng ngại vật lớn nhất như sân giận, oán thù, sợ hãi, đố kỵ,... thành nguồn năng lượng cho giác ngộ.
Trong cuốn sách này, Pema hướng dẫn cách thực hành ngồi thiền, cách cho-nhận, cách sử dụng khẩu hiệu, và cách luyện tập bốn tâm vô lượng để mở cánh cửa khơi nguồn tỉnh thức của tâm bồ-đề. Tập ngồi thiền đều đặn mỗi ngày sẽ giúp ta quen với chân tâm rộng mở. Chúng ta sẽ sống vững chãi và mạnh mẽ hơn với bản chất tự nhiên của tâm hồn mình. Với Thiền, chúng ta sẽ thấy tâm hồn mình luôn rộng mở trong cuộc sống hằng ngày, dù cho mình đang ở trong một tình cảnh khó khăn nào đi chăng nữa. Trong khi đó, thực hành cho-nhận và sử dụng khẩu hiệu thì lại giúp ta cảm nhận mùi vị của nỗi sợ để từ đó dần dần đối diện với những thứ trước đây ta có thói quen né tránh. Và để nới rộng giới hạn cũng như mở rộng cõi lòng mình với người khác thì ta thực hành phát triển bốn tâm vô lượng - từ, bi, hỷ, xả.
Ngoài ra, chúng ta có thể dấn thân vào những hoạt động nhất định (tiếng Sanskrit gọi là Paramitas), để đưa ta ra khỏi cái xu hướng kỳ cục của con người, đó là tự ngăn cản mình thọ hưởng niềm vui giác ngộ. Pema gọi các hoạt động này là “Sáu cách sống đời bi mẫn", bao gồm: rộng lượng, kham nhẫn, kỷ luật, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ. Nền tảng để trau dồi sáu đức tính này là luyện tập tâm từ, tức là lòng thương yêu vô điều kiện với chính mình, người ta thường gọi là “Bắt đầu từ chỗ mà mình đang đứng”.
Theo thuật ngữ Phật học, con đường này được gọi là “bồ-tát hạnh”. Nói đơn giản là, bồ-tát là người hành động với tâm giác ngộ. Còn theo giáo pháp Shambhala thì đó là “con đường dấn thân”. Và để hòa quyện hai luồng tư tưởng này với nhau, Pema sử dụng thuật ngữ “Bồ-tát dấn thân”, ngụ ý một luồng năng lượng tươi mới hướng thiện sẽ sẵn sàng vì người khác mà chịu đương đầu với bất kỳ khổ đau nào. Hành động này nhằm vượt qua thói quen tự lừa dối, tự bảo hộ và các thói quen phản ứng khác mà ta thường thể hiện để bảo vệ mình trong ngục tù của khái niệm. Bằng cách phá vỡ những tường thành của bản ngã một cách nhẹ nhàng và chính xác, chúng ta sẽ trực tiếp trải nghiệm tâm bồ-đề.
Điều mà những người đi trên con đường này cùng chia sẻ là dòng tâm thức an vui trong sự thất thường hay vô thường. Đau khổ bắt nguồn từ việc chúng ta mãi chống lại một sự thật chắc chắn là, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, đời sống thật ra chỉ là vô thường mà thôi. Những lời dạy của Pema giúp ta tập sống thích nghi với vô thường để xem chuyện gì xảy ra. Cái mà chúng ta gọi là vô thường thật ra là đặc tính mở của từng khoảnh khắc trong cuộc sống. Khi chúng ta sẵn sàng đón nhận đặc tính mở này - cũng như cách mà các đặc tính này luôn sẵn sàng đón nhận ta - thì đó là lúc mà ta nhận ra rằng khả năng yêu thương và sự quan tâm mà ta có thể dành cho mọi người là vô bờ bến.
Đối với những bạn đọc đã từng học thiền thì những bài học trong cuốn sách này có thể được dùng như những lời nhắc nhớ hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng những điểm chính yếu trên con đường mà bạn đang đi. Còn đối với những người chưa thực hành thiền bao giờ thì cuốn sách này có thể cung cấp những thông tin cho bạn - chứ không thể sử dụng thay thế cho phần hướng dẫn thiền tập trực tiếp. Bạn có thể tìm được người hướng dẫn thiền tập dựa vào danh sách tài liệu tham khảo ở cuối cuốn sách này.
Xin gửi lời cảm ơn đến Tingdzin Otro, Tessa Pybus, Julia Sagebien, John and David Sell, những người phiên tả và biên soạn lời dạy của Pema, toàn bộ nhân viên của Shambhada Publications – đặc biệt là Eden Steinberg - đã khuyến khích và hỗ trợ cho việc biên tập cuốn sách này. Chúng tôi rất biết ơn Pema đã thể hiện con đường Bồ-tát dấn thân để có thể chuyển tải thông điệp đến mọi người một cách nhanh chóng và chính xác nhất.
Tất cả 108 bài học này được trích ra từ những lời dạy chi tiết hơn trong một cuốn sách trước đây của Pema. Khi biên soạn lại, tôi đã hình dung ra một chuỗi hạt thủy tinh với 108 hạt để bạn có thể tùy duyên quán chiếu. Hy vọng chúng sẽ đem lại những lợi ích vô tận cho mọi người.

Emily Hilburn Sell 
Thuỷ - Dung dịch