Nhận ra đau khổ

Thất vọng, bối rối, và tất cả những cảm giác khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái có thể gọi là sự chết. Chúng ta hoàn toàn mất chỗ dựa, chúng ta hoàn toàn không thể chịu nổi, và cảm giác như mình đang ở nơi giới hạn tận cùng của mọi thứ. Thay vì nhận thấy rằng chúng ta sắp phải chết đi để được tái sinh, thì chúng ta lại chống chọi với nỗi sợ chết.
Chạm đến giới hạn của chúng ta không phải là một thứ hình phạt. Thật ra, đó là một dấu hiệu của sức khỏe khi mà chúng ta sắp chết, chúng ta biết run sợ. Nhưng thông thường thì ta không xem nó như một thông điệp báo rằng, đã đến lúc dừng đấu tranh, và nhìn thẳng vào những gì đang làm ta sợ. Những cảm giác như thất vọng hay lo âu chính là những thông điệp cho biết rằng chúng ta sắp phải đi đến một nơi xa lạ.

Khi gặp những điều chúng ta không muốn hoặc khi không đạt được những gì ta muốn, khi ta bị bệnh, khi ta già đi, khi ta đang chết dần – khi nhận ra bất kỳ cảnh huống nào như thế trong cuộc sống, chúng ta đều có thể nhận ra đau khổ như nó đang là. Và khi đó chúng ta nên tìm hiểu, để tâm chú ý và tỉnh thức trên những phản ứng của mình. Khổ đau của chúng ta bám rễ trên nỗi sợ hãi vô thường. Niềm đau của chúng ta bắt nguồn từ một cái nhìn lệch lạc về thực tại. Có ai từng có ý niệm rằng mình hạnh phúc mà không phải nếm mùi đau khổ không? Trên đời này, những câu quảng bá như thế ngày càng nhiều, và chúng ta lại đi mua những ý tưởng này. Nhưng hạnh phúc và khổ đau luôn đi đôi với nhau, không thể tách rời. Chúng ta có thể đón chào cả hai. Cả hai đều bình thường. Được sinh ra là một niềm vui, mà cũng là nỗi buồn. Chết đi là một nỗi buồn, mà cũng là niềm vui. Một thứ kết thúc cũng có nghĩa là một thứ khác sẽ bắt đầu. Đau khổ không phải là hình phạt, hạnh phúc cũng không phải là phần thưởng.

PEMA CHODRON

THUỶ DUNG DỊCH