Một số từ chưa thống nhất khi nói và viết

TLNX. Khi tìm lại nguồn xưa để học và chia sẻ, chúng tôi gặp một số tài liệu xưa nhưng có tính ứng dụng ngày nay giá trị. Khi chia sẻ, chúng tôi lại nhận thấy những tài liệu này có vấn đề về chính tả, buộc phải cân nhắc. Gặp điều này, chúng tôi mới thấy là trong tiếng Việt còn có quá nhiều từ ngữ chưa thống nhất khi nói và viết. Thường thường, cứ tra cứu thì thấy, Sách giáo khoa viết một cách (ví dụ, co dãn), Bách khoa toàn thư lại viết một cách khác (co giãn). Nguồn nào thấy cũng có vẻ đúng cả. Đó là về chính tả. Với tài liệu cũ, một trường hợp hay gặp nữa là gạch nối trong một số từ. Vì dụ như bao-dung, đức-hạnh,... Phần lớn những từ ngữ này ngày nay không còn gạch nối nữa. Nhưng gần đây, thấy sách của cụ Vương Hồng Sến, một học giả rất uyên thâm về văn hóa và ngôn ngữ, được xuất bản và tái xuất bản, những gạch nối này hầu như đều được giữ lại.
Ngoài ra, cũng còn nhiều cái chưa thống nhất trong tiếng Việt nữa, thật khó!
Có bài viết này của Thụy Văn, nêu lên một số trường hợp tương tự như vậy, xin chia sẻ lại để những bạn quan tâm tham khảo.
----------------------------

MỘT SỐ TỪ CHƯA THỐNG NHẤT KHI NÓI VÀ VIẾT
Thứ ba - 11/03/2014 14:41
Khép lại truyện ngắn “Cố hương” (một tác phẩm được học trong chương trình Ngữ văn 9), Lỗ Tấn, Đại văn hào Trung Quốc, Danh nhân văn hoá thế giới đã mở ra một con đường chạy vào thăm thẳm triết lý nhân sinh: "Kỳ thực thì trên mặt đất vốn làm gì
có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi" .
Đọc “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, “ông vua phóng sự đất Bắc”, không ai có thể quên câu nói của cụ cố Hồng: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!".
Nói đi, nói lại một vấn đề, e cũng nhàm chán nhưng tôi vẫn muốn nói thêm, mỗi lần một chút, ở một khía cạnh khác để được cùng học hỏi, gặp gỡ, giao lưu với bạn đọc và đồng nghiệp.
I. Từ tiếng Việt và việc sử dụng từ tiếng Việt
Tiếng Việt giàu và đẹp nên cũng không hề đơn giản trong quá trình sử dụng. Từ chữ Hán, đến chữ Nôm, đến chữ Quốc ngữ là một quá trình phát triển lâu dài của ngôn ngữ dân tộc. Đến nay, từ Hán -Việt đã được Việt hoá nhiều nhưng tỷ lệ từ Hán-Việt vẫn còn khá lớn.
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Các từ trong tiêu ngữ trên đều là từ gốc Hán được đọc và viết theo hệ thống ngữ âm tiếng Việt.
Trong từ phức tiếng Việt (cả từ ghép và từ láy) có hiện tượng các từ đơn, hoặc các tiếng có thể đổi chỗ cho nhau mà nghĩa thì ít thay đổi: “hờn dỗi, thông cảm, thương mến, yêu thương,...; mải mê, mênh mông, mờ mịt, nhớ nhung”,... có thể đảo thành: “dỗi hờn, cảm thông, mến thương, thương yêu, ...; mê mải , mông mênh, mịt mờ, nhung nhớ”,...
Trong Từ điển tiếng Việt, tôi không tìm thấy từ “linh lung” mà chỉ có từ “lung linh”. Vậy mà“ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu đã sử dụng rất tài tình trong “Nguyệt cầm”:
“Mây vắng, trời trong, đêm thủy tinh;
Linh lung bóng sáng bỗng rung mình”
Người ta thường nói “cao chót vót. Nhưng nhà thơ Huy Cận đã sử dụng rất lạ, rất độc đáo tập hợp từ “sâu chót vót” trong “Tràng Giang” để mở rộng không gian :
“Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn “chơi chữ” thật tinh tế khi đảo từ trong ngữ:
“ Người tôi yêu đã đi xa
Người yêu tôi lại ở nhà...chán không!”
Thế mới biết, thi nhân là thế. Họ có thể biến cái “không thể” thành cái “có thể”!
II. Một số từ chưa thống nhất khi nói và viết
Do khuôn khổ bài viết, tôi xin phép chỉ đưa ra một số từ để so sánh:
1. “Giông tố” hay “dông tố”?
Tác phẩm “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng.
2. “Mồng tơi” hay “mùng tơi”?
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn”.
(Nguyễn Bính, Cô hàng xóm)
3. “Mồng một, mồng hai” hay “mùng một, mùng hai”?
“ Mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa,..” (Đồng dao)
4. “Nền nếp” hay “nề nếp” ?
“Người ta phải trọng nhất là luân lý. Nhất là những nhà nền nếp như nhà ta, càng phải trọng luân lý.” (Nguyễn Công Hoan).
5. “Dãn nở” hay “giãn nở” ?
- Dãn nở (động từ): hiện tượng tăng thể tích khi nhiệt độ tăng lên (theo Từ điển Việt- Việt).
- Sách giáo khoa Vật lí viết “dãn nở”.
- “Trong khoa học vật liệu, hệ số giãn nở nhiệt của một vật liệu là một đại lượng vật lý đặc trưng cho sự thay đổi lích thước của vật liệu đó khi nhiệt độ thay đổi.” (theo Bách khoa toàn thư).
6. “Co dãn” hay “co giãn” ?
- Co dãn (động từ):
+ Co vào và dãn ra (nói khái quát): cao su là chất co dãn.
+ Thu hẹp lại hoặc mở rộng ra tuỳ theo hoàn cảnh, chứ không cố định: co dãn thời gian cho phù hợp (theo Từ điển Việt- Việt).
- Sách giáo khoa Vật lí viết: “co dãn”.
- “Trong ngành kinh tế học độ co giãn là đại lượng đặc trưng cho phản ứng của lượng cầu hoặc lượng cung trước sự thay đổi của một số biến khác.” (theo Bách khoa toàn thư).
7. “Thuỷ mặc” hay “thuỷ mạc”?
- Lối vẽ chỉ dùng mực nho, không dùng màu khác: tranh thủy mặc (theo Từ điển Việt- Việt).
- “Thuỷ” là “nước”, “mặc” là “mực”. Tranh thủy mặc được vẽ bằng mực nước, hay còn gọi là mực tàu trên giấy hoặc lụa .” (theo Bách khoa toàn thư).
Tóm lại, trong bảy cặp từ trên, Từ điển Chính tả tiếng Việt, Từ điển Việt- Việt và một sốTừ điển khác đều chấp nhận cả hai trường hợp. Nhưng đều có một điểm chung là tất cả các từ đứng đầu mỗi cặp đều được xem là “từ toàn dân”, được dùng nhiều hơn, phạm vi rộng hơn; các từ đứng sau là “phương ngữ”, được dùng ít hơn, phạm vi hẹp hơn.
8. “Vô hình trung”, “vô hình chung” hay “vô hình dung” ?
Về ba từ này (cũng có thể hiểu là “cụm từ” hoặc “ngữ”), tôi xin “mạo muội” đưa ra mấy ý kiến như sau:
Một là, cà ba từ này đều là từ Hán- Việt. Trong Từ điển “Từ và ngữ Việt Nam” của Giáo sư Nguyễn Lân thì không có “ vô hình chung” và “vô hình dung”. Rất nhiều Từ điển khác cũng không có hai từ này. Nhưng trong thực tế thì người Việt lại sử dụng cả ba từ trên. Thậm chí, khi khảo sát 38 bài thi của sinh viên năm thứ nhất khoa Ngữ văn ở một trường Đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh thì có tới 68% chọn “vô hình chung”, 20% chọn“vô hình dung”, chỉ có 12% chọn “vô hình trung”.
Hai là, chữ “trung” trong “ vô hình trung” có nghĩa là “trong” (Vũ trung tuỳ bút - Ghi chép trong mưa (Phạm Đình Hổ); Ngục trung nhật ký – Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh). “Vô hình trung” có nghĩa là “trong cái vô hình, trong chỗ vô hình (không rõ hình) mà để người ta nghĩ ra, tưởng là thế này, thế kia mặc dù không muốn thế” hoặc “tuy không chủ ý, chủ tâm nhưng tự nhiên lại là như thế - tạo ra, gây ra việc nói đến”: “Không nói gì, vô hình trung là tỏ ý tán thành” hoặc “Anh làm như thế vô hình trung là bênh vực kẻ xấu”.
Ba là, “vô hình chung” có thể là do “lỗi phát âm” (lẫn giữa “tr” và “ch”), “vô hình dung” có thể là do “nhầm lẫn nghĩa” với một từ Hán- Việt khác:“ hình dung” (dáng dấp, diện mạo bên ngoài) trong “vô hình dung). Có người đã mạnh dạn khẳng định: “vô hình trung” là đúng chính tả; “vô hình chung” là phương ngữ, thổ ngữ; “ vô hình dung” là khẩu ngữ.
III. Về hai từ “tác gia” và “tác giả”
Từ thời đi học phổ thông, tôi đã nghe thấy các thầy giáo, cô giáo dạy Văn, phần lớn dùng từ “tác giả” nhưng cũng có lúc lại dùng “tác gia”. Đến khi đứng trên bục giảng, tôi mới có dịp tìm hiểu kỹ hơn về nghĩa của hai từ này.
1. Tác giả: Người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học nào đó: tác giả “Truyện Kiều” là Nguyễn Du; bản quyền tác giả,...
1.1. “Tác” trong “tác giả” còn có trong: chế tác, công tác, kiệt tác, sáng tác,...; tác nghiệp, tác thành, tác hợp,...
" Rằng: Trong tác hợp cơ trời,
Đôi bên gặp gỡ, một lời kết giao" (Nguyễn Du, Truyện Kiều)
1.2. “Giả” trong “tác giả” còn có trong: dịch giả, học giả, ký giả, sứ giả,…
2. Tác gia: Tác giả lớn, có tác phẩm gây ảnh hưởng sâu rộng tới đồng sống xã hội: tác gia, tác gia kinh điển,...
“Gia” trong “tác gia” còn được ghép với một từ ngữ khác: “danh gia vọng tộc”, nho gia, quốc gia, thi gia, thương gia, “vinh thân phì gia”,…; gia bảo, gia dụng, gia phong, gia nghiệp, gia sản , gia tài,…
Tóm lại, từ “tác giả” có nghĩa rộng hơn, khái quát hơn so với “tác gia”.
Để trở thành “tác gia” đã khó, trở thành “tác gia kinh điển” lại càng khó. Bởi tác gia ấy vì phải có tác phẩm kinh điển có giá trị mẫu mực, tiêu biểu cho một học thuyết, một chủ nghĩa.
...Việt Nam là đất nước của thi, ca, nhạc, hoạ. Rất nhiều người biết làm thơ, thích làm thơ nên cũng có nhiều nhà thơ. “Tác giả” thì nhiều mà “tác gia” thì có được bao nhiêu, mấy nghìn năm lịch sử để lại được một Nguyễn Du, một “tác gia lớn nhất” trong các “tác gia lớn”, mà nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định là “vô tiền khoáng hậu” (trước không có mà sau cũng không có). “Vô tiền” thì đúng rồi, còn “khoáng hậu” thì chả lẽ: “Hậu sinh khả uý” cơ mà!
Trong chương trình Ngữ văn lớp 9, học sinh được học một bài văn nghị luận sâu sắc được viết vào những năm đầu của thế kỷ XXI: “Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới” của Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
Gần đây, khi trả lời phỏng vấn, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan rất “hóm hỉnh” mà sâu sắc khi không nhận mình là “nhà văn” mà chỉ tự nhận là “lều văn” thôi!
Ngày 10-9-2013, Nhà xuất bản Hồng Đức, đã xuất bản cuốn sách “100 tác gia và tác phẩm kinh điển” của tác giả Quách Thành, cung cấp cho bạn một hệ thống kiến thức nền tảng và tổng quát nhất về các tác gia và tác phẩm nổi tiếng hàng đầu trong các lĩnh vực: toán học, vật lí, thiên văn, lịch sử, triết học, văn học,... của thế giới.
Người Việt Nam yêu thơ không thể không biết đến một giọng thơ nhẹ nhàng, siêu thoát, phảng phất hương vị thơ cổ Trung Hoa. Đó là nhà thơ Hồ Dzếnh (1916-1991) - tên thật là Hà Triệu Anh hay Hà Anh. Vì cha ông là Hà Kiến Huân, người gốc Quảng Đông, Trung Quốc nên tên ông được ghi theo giọng Quảng Đông là Hồ Dzếnh.
Hồ Dzếnh cách viết “hơi lạ”, thêm một lần chứng tỏ cho sự “sáng tạo” của tiếng Việt.
Thụy Văn

Nguồn: http://pgd-nghiahung.namdinh.edu.vn/index.php/news/Bai-viet/MOT-SO-TU-CHUA-THONG-NHAT-KHI-NOI-VA-VIET-676/