Kinh đức Phật nói với các Bà-la-môn về thiền

Trong kinh Rohita, chúng ta thấy việc tu thiền và chứng đạt các quả vị tâm linh đều đặt cơ sở trên con người này, giữa thế giới này chứ không phải tu thiền là để đi đến một cảnh giới trên mây trên gió nào. Câu nói được chú ý nhất lưu lại trong kinh Rohita là: “chính trong cái thân thể dài một tầm có tưởng, có ý này, Ta tuyên bố thế giới, nguyên nhân của thế giới, sự đoạn diệt thế giới và con đường đưa đến sự đoạn diệt của thế giới.”

Ở đây có một câu hỏi đặt ra trước chúng ta là, thế nào là sự đoạn diệt thế giới? Bài kinh đức Phật nói với các Bà-la-môn sau đây có thể giúp chúng ta hiểu thế nào là “sự đoạn diệt thế giới” trong thế giới quan Phật giáo.
--------------------

Kinh đức Phật nói với các Bà-la-môn 
(Bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu)
1. Rồi hai vị Thuận thế Bà-la-môn đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói el6n với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Bà-la-môn ấy thưa với Thế Tôn:
2. - Thưa Tôn giả Gotama, Pùrana Kassapa, bậc toàn tri, toàn kiến, tự nhận  mình là có tri kiến toàn bộ không dư, nói rằng: “Khi ta đi, ta đứng, ta ngủ, ta thức, tri kiến được an trú liên tục thường hằng”. Vị ấy nói như sau: “Với trí vô biên, ta sống, biết và thấy thế giới hữu biên”. Thưa Tôn giả Gotama, Nigantha Nàtaputta, bậc toàn tri, toàn kiến, tự nhận  mình là có tri kiến toàn bộ không dư, nói rằng: “Khi ta đi, ta đứng , ta ngủ, ta thức, tri kiến được an trú liên tục thường hằng”. Vị ấy nói như sau: “Với trí hữu biên, ta sống, biết và thấy thế giới hữu biên”. Thưa Tôn giả Gotama, giữa hia bậc tuyên bố về trí này, giữa hai lời tuyên bố mâu thuẫn này, ai nói đúng sự thật, ai nói lái?
3. - Thôi vừa rồi, này các Bà-la-môn, hãy dừng lại ở đây: “Giữa hai bậc tuyên bố về trí này, giữa hai lời tuyên bố mâu thuẫn này, ai nói đúng sự thật, ai nói láo?”

Này các Bà-la-môn, Ta sẽ thuyết pháp cho các Ông, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
- Thưa vâng, Tôn giả.
Các Bà-la-môn ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
4. - Này các Bà-la-môn,  ví như bốn người đàn ông đứng bốn phương, đầy đủ với bước đi, với tốc lực tối thắng, với bước chân dài tối thắng. Họ đầy đủ tốc lực như sau: Ví như một người cầm cung, điêu luyện khéo được huấn luyện với bàn tay thiện xảo, bách phát bách trúng, có thể bắn một cách nhẹ nhàng một mũi tên ngang qua bóng của cây tàla. Như vậy là tốc lực của họ. Còn bước chân dài của họ, thời như sau: từ biển phía Đông đến biển phía Tây. Rồi người đứng ở phương Đông nói như sau: “Ta sẽ đi và đạt đến tận cùng của thế giới”. Dầu cho tuổi thọ của người này là một trăm năm - trừ khi người ấy ăn, người ấy uống, người ấy nhai, người ấy nếm, trừ khi người ấy đi đại tiện tiểu tiện, trừ khi người ấy  ngủ để lấy lại sức, người ấy sẽ chết trước khi người ấy đạt đến tận cùng của thế giới”. Rồi người đứng ở phương Tây... rồi người đứng ở phương Bắc... rồi người đứng ở phương Nam nói như sau: “Ta sẽ đi và đạt đến tận cùng của thế giới”. Dầu cho tuổi thọ... người ấy sẽ chết trước khi người ấy đạt đến tận cùng của thế giới”. Vì cớ sao? Này các Bà-la-môn, Ta nói rằng, không phải với sức chạy như vậy, có thể biết được, có thể thấy được, có thể đạt được tận cùng thế giới. Này các Bà-la-môn, Ta nói rằng nếu không đạt được tận cùng thế giới, thời không thể chấm dứt đau khổ ở đời.
5. Này các Bà-la-môn, năm dục trưởng dưởng này được gọi là thế giới trong Luật của bậc Thánh. Thế nào là năm?
6. Các sắc do con mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Này Bà-la-môn, năm dục trưởng dưỡng này được gọi là thế giới trong Luật của bậc Thánh.
7. Ở đây, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo ly các dục... chứng đạt và an trú sơ Thiền. Này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo này được gọi là vị đã đến tận cùng thế giới, và sống trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác nói về vị ấy như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa thoát ly khỏi thế gian”.  Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa thoát ly khỏi thế gian”.
8. Lại nữa, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo diệt các tầm và tứ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai... Thiền thứ ba... Thiền thứ tư. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác nói về vị ấy như sau: “Vị này còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”.
9. Lại nữa, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt qua khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác,  nói về vị ấy như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”.
10. Lại nữa, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt qua khỏi Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ... Sau khi vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ... Sau khi vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác,  nói về vị ấy như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”.
11. Lại các Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định, thời sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Vị này đã vượt khỏi sự triền phược của thế giới.