Sức khỏe là tài sản quý giá nhất

Tam Bảo – mô hình y khoa
Tam bảo, ba ngôi quý báu được tôn kính nhất trong Phật giáo, là khái niệm chỉ cho Đức Phật: bậc sáng lập ra Đạo Phật; Giáo Pháp: những lời dạy của Đức Phật và Tăng chúng: chúng đệ tử của Đức Phật, những người đã thấu hiểu và đạt được lợi ích thiết thực từ những lời Đức Phật dạy.
Nhìn ở một khía cạnh khác, chúng ta có thể hiểu Đức Phật là vị bác sĩ đại tài, Giáo pháp là thuốc hay do Đức Phật kê toa và Tăng chúng là những bệnh nhân đã thuyên giảm bệnh nhờ những vị thuốc mà Đức Phật đã đưa ra.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta là những bệnh nhân chưa hề thuyên giảm căn bệnh thông thường và phổ biến nhất, đó là bệnh thiếu hạnh phúc hay bệnh không toại nguyện trong cuộc sống. Đức Phật, được mô tả trong kinh là một vị lương y và là nhà phẩu thuật đại tài (anuttaro bhisakko sallakatto), là một chuyên gia siêu việt có khả năng chữa lành căn bệnh mất hạnh phúc này. Ngài là vị bác sĩ giỏi nhất có thể chẩn đoán đúng bệnh và có cách điều trị hay nhất, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào Ngài, uống những loại thuốc Ngài đưa ra để được hết bệnh và thành người khỏe mạnh.
Sức khỏe là tài sản quý giá nhất
Chính Đức Phật đã nói như vậy và ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy lời phát biểu trên trong kinh Pháp cú, kệ số 204. Đây là lời khuyên đơn giản nhưng ít ai để tâm tới. Lời khuyên này, căn bản nghĩa là sức khỏe là một cái gì đó rất quý giá, tương tự như câu thành ngữ tiếng Anh “Health is the greatest wealth” (sức khỏe là tài sản lớn nhất). Một điều đáng tiếc là chúng ta chỉ ý thức được điều này khi mình bị bệnh. Một cách tốt nhất để chúng ta luôn ghi nhớ thông điệp quan trọng này là nên thường xuyên thăm viếng các bệnh nhân ở bệnh viện. Điều này rõ ràng có tác dụng đánh thức chúng ta ý thức về sức khỏe và nhờ đó biết bảo trọng sức khỏe của mình hơn. Mặt khác, khi chúng ta bệnh, chúng ta cũng nên ghi nhận một cách có ý thức về sự đau nhức và khó chịu của cơ thể. Điều này cũng giúp mình biết quý trọng sức khỏe hơn sau khi lành bệnh.
Nói như vậy cũng có nghĩa rằng, sức khỏe là cái mà chúng ta phải tự tạo. Sức khỏe không phải là quà tặng. Sức khỏe không phải ở đâu bỗng nhiên rơi xuống đặc biệt dành riêng cho mình khi trở về già. Chúng ta không thể có được sức khỏe nếu chỉ ngồi đó cầu nguyện Đức Phật rằng “xin cho con mạnh! Xin cho con khỏe”. Chúng ta phải luyện tập nghiêm túc và đúng mức, thực hiện những điều cần thiết như tập thể dục, duy trì chế độ ăn uống cân bằng, ngủ đủ, bỏ hút thuốc, ngồi thiền thường xuyên, làm các việc công ích, v.v… thì mới có được sức khỏe. Phải đảm bảo theo cách như vậy và thực hiện nghiêm túc mới được. Chính vì vậy, có sức khỏe tốt là có một tài sản quý báu.
“Bệnh tật là nỗi khổ đau lớn nhất ở đời. Và nó cũng đem đến nỗi tuyệt vọng nhiều nhất mà con ngườitừng gánh chịu. Có một câu danh ngôn rằng, “ngay cả người anh hùng lực lưỡng cũng không thể nào tránh khỏi bệnh tật.” “Thật vô nghĩa khi sống trên giàu sang danh vọng thừa mứa mà không có sức khỏe tốt. Rõ ràng mạnh khỏe luôn luôn là một phước lành lớn.” (Đạo sư Thích Chứng Nghiêm)

Khỏe Mạnh
Khi thân ta khỏe mạnh,
Cả thế giới rong chơi.
Khi tâm hồn an ổn,
Thế giới về hôn chân.
Đời tươi, hồng đôi má,
Rộn ràng trong nắng mai.
Tích tắc đời bừng sáng,
Người người lướt qua nhau,
Khỏe-đau trong chốc lát.
Đời người thật mỏng manh,
Mỏng manh như pha lê,
Đời đang vui vỡ vụn.
Kẻ bệnh tuổi bốn mươi,
Người ốm đau tiều tụy.
Phải chăng xuân qua mau,
Hay đông trở nên dài.
Thời gian trôi nhanh, chậm,
Do vui buồn nơi tâm.

(Thầy Sujiva)

Hằng Như dịch