Quán niệm hơi thở

Quán niệm hơi thở (tiếng Pali là anapanasati) là phương pháp hành thiền cơ bản trong đó chúng ta tập trung chánh niệm trên cảm giác của hơi thở vào và hơi thở ra. Để thực hành phương pháp nầy, chúng ta phải hết sức kiên nhẫn. Chúng ta phải luôn sẵn sàng tập lại từ đầu vì tâm chúng ta luôn luôn xao lãng, không trụ được lâu trên hơi thở. Tâm chúng ta không quen tập trung vào một đề mục; nó quen suy nghĩ mông lung hết việc nầy tới việc nọ và di chuyển rất nhanh từ nhóm tư tưởng nầy đến nhóm tư tưởng khác. Vì đã quen suy nghĩ nhanh nhẩu và nhạy bén, chúng ta rất dễ phóng tâm khi cố gắng tập trung trên một đề mục duy nhất, như hơi thở chẳng hạn. Thậm chí chúng ta có thể căng thẳng khi tâm không làm theo thói quen thường ngày của nó. Vì thế, khi tập chánh niệm trên hơi thở (anapanasati), chúng ta có thể sẽ cảm thấy một phản ứng ngược lại hay một sự bất mãn chống đối nào đó xuất hiện trong thân và tâm.

Nếu một con thú đã quen sống tự do trong thiên nhiên hoang dã và bất thình lình bị trói cột lại, nó sẽ tức giận và chống lại những gì ràng buộc nó. Như con thú hoang, cái tâm chưa thuần phục của chúng ta cũng quen sống theo bản năng và thói quen riêng của nó. Nó không lợi ích cho ai cả. Tuy nhiên, khi một con ngựa hoang được thuần hóa, nó sẽ trở nên hữu ích cho con người. Tâm chúng ta cũng thế. Nếu cứ để tâm chạy theo thói quen và không cố gắng thuần phục nó, chúng ta sẽ không khác nào một con thú hoang -- không hữu ích cho ai cả, ngay cả chính chúng ta.
Để thuần phục tâm, chúng ta phải kiềm hãm nó lại. Chúng ta buộc nó phải tập trung trên một đối tượng duy nhất. Hơi thở là đối tượng rất tiện lợi cho việc hành thiền vì chức năng sinh học của hơi thở là liên tục, cho dù chúng ta tập trung hay không tập trung trên nó. Nó không phải là cái mà chúng ta có thể tạo ra hay tưởng tượng. Nó luôn luôn diễn ra một cách tự nhiên để chúng ta có thể hướng đến như một đề mục hành thiền bất cứ lúc nào. Nếu chúng ta tập trung trên nhịp thở bình thường, điều nầy sẽ có tác dụng lắng dịu, chúng ta sẽ cảm thấy rất yên tĩnh và bình an. Nhưng chúng ta thường không chú ý đến hơi thở. Hơi thở là cái rất bình thường và vì thế, cũng giống như mọi sự vật bình thường khác, chúng ta thường không chú ý đến chúng. Hơi thở không phải là cái gì hấp dẫn và kích động, vì thế anapanasati hay quán niệm hơi thở vào và hơi thở ra là một phương pháp thiền vi tế.
CHÁNH NIỆM TRÊN HƠI THỞ BÌNH THƯỜNG
Chúng ta có thể trở nên lao xao, trạo cử và phản kháng lại hơi thở vì chúng ta luôn bị thôi thúc bởi tham ái dục lạc. Chúng ta muốn tìm một cái gì đó lý thú, dễ thu hút chúng ta, hay một cái gì mà chúng ta không phải mất công sức để tập trung vào. Nếu gặp một cái gì đó lý thú như một bản nhạc nhịp nhàng và vui nhộn, chắc chắn chúng ta sẽ chú tâm ngay và bị cuốn hút vào trong đó. Nhưng nhịp thở bình thường không có gì hay ho để kích động chúng ta cả. Nó làm chúng ta lắng dịu và phần lớn người đời không quen với sự lắng dịu; họ luôn muốn được kích thích và lôi cuốn. Nói khác đi, phần lớn chúng ta muốn được một cái gì đó từ bên ngoài kích thích, làm phấn chấn, và hấp dẫn tâm ý của chúng ta.
Bạn chỉ cần nhìn vào một thành phố thì sẽ thấy được điều này; phần lớn các sinh hoạt thành phố là làm sao để gây sự chú ý và lôi cuốn chúng ta vào cái nầy hoặc cái nọ. Nào là hàng hóa đẹp, nào là các món ăn lạ miệng, nào là các trò giải trí vui nhộn; ngày nay những thứ nầy rất dễ tìm. Người ta thích hút ma túy vì họ chỉ cần nuốt vào miệng một viên thuốc và liền sau đó sẽ đi vào một trạng thái đê mê ngây ngất. Nó không giống như quán niệm hơi thở anapanasati, trong đó bạn quán sát hơi thở vào và sau đó, quán sát hơi thở ra. Nó không giống như để ra nửa giờ đồng hồ để quán sát đoạn đầu, đoạn giữa, và đoạn cuối của mỗi hơi thở ra và hơi thở vào.
Thói quen tham ái thường trỗi dậy vì quán sát hơi thở hình như là một hoạt động không quan trọng hay cần thiết. Phần lớn người đời đều suy nghĩ, "Tại sao phải mất thì giờ để làm việc nầy? Các vị tu sĩ, tăng và ni, làm gì mà chỉ ngồi trơ ra đó? Các vị đã làm gì ích lợi cho Thế giới thứ ba nghèo khổ? Các vị làm gì để mang lại hạnh phúc cho nhân loại? Các vị chỉ ích kỷ thôi; Các vị mong được chúng tôi cúng dường thực phẩm trong khi quý vị chỉ biết ngồi đó và quán sát hơi thở. Có phải các vị đang chạy trốn khỏi cuộc đời thật nầy không?"
Nhưng thưa bạn, cái gì là cuộc đời thật? và ai đang chạy trốn khỏi cái gì, và có cái gì để trực diện trênđời nầy? Chúng ta thấy rằng cái mà người đời gọi là "cuộc đời thật" nầy chính là cái thế gian mà họ tin là có thật và quen sống trong đó. Nhưng cái thế gian đó chỉ là một điều kiện sinh khởi trong tâm thức.Trong khi hành thiền, chúng ta nhận và biết được thế giới thật như nó đang diễn biến, thay vì tin vào nó, biện minh hay cố gắng tìm cách tiêu diệt đi bản chất đau khổ của nó.
Thế giới thật là thế giới vận hành theo nguyên tắc sinh khởi và hoại diệt giống như hơi thở vào và hơi thở ra vậy. Hơi thở vào tạo điều kiện cho hơi thở ra, và hơi thở ra tạo kiều kiện cho hơi thở vào. Bạn không thể chỉ có hơi thở ra hay chỉ có hơi thở vào. Đó là bản chất của tất cả mọi hiện tượng bị điều kiện -- chúng sinh rồi diệt. Chính vì thế mà trong lúc thực hành giáo pháp của Đức Phật, chúng ta sẽ thấy và hiểu được sự vận hành của thế giới tự nhiên, thay vì dùng tư duy để lý luận về nó.
Chúng ta quán sát thế giới tự nhiên trong khi quán sát hơi thở. Nếu chúng ta tập trung trên đề mục nầy, chúng ta sẽ thấy được đặc tính sinh diệt của cái thế giới "trùng trùng duyên khởi" mà chúng ta đang sống. Những pháp điều kiện là không ngừng thay đổi và vô cùng phong phú; chúng có những tính chất khác nhau, số lượng khác nhau, và chiếm những chỗ khác nhau trong không gian. Tâm chúng ta không thể nắm bắt được cái thế giới vô vàn phức tạp nầy, vì thế chúng ta phải dựa vào những thí dụ rất đơn giản để học và hiểu về chúng. Chúng ta học từ một đề mục rất bình thường và dường như là vô nghĩa như hơi thở vào và hơi thở ra bình thường của chúng ta.
HÃY TẬP KIÊN NHẪN
Lúc đầu tâm của chúng ta sẽ không trụ trên hơi thở và đi lang thang, vì thế chúng ta phải kiên nhẫn. Khi biết là tâm đã trượt khỏi hơi thở, chúng ta nhẹ nhàng đưa tâm về lại hơi thở. Nếu chúng ta bực tức khi tâm đi lang thang, chúng ta sẽ chán nản và khởi tâm sân hận với tất cả và sẽ dùng ý chí để ép buộc tâm trở về đề mục. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm như thế trong một thời gian ngắn thôi vì sau đó tâm lại phóng đi lang thang.
Thái độ đúng đắn trong khi quán niệm hơi thở là phải hết sức, hết sức kiên nhẫn. Chúng ta phải có cảm tưởng là chúng ta dùng tất cả thì giờ có được trên cuộc đời nầy để chỉ quán sát hơi thở vào mà thôi. Chúng ta không cần phải đạt đến cái gì cả. Chúng ta luyện tâm như một bà mẹ hiền dạy dỗ đứa con thân yêu. Người mẹ hiền nầy biết rằng nếu bà nỗi giận và đánh đập đứa con thì con bà sẽ hoảng sợ và trở nên rối loạn. Do đó, khi con bà đi chơi hoang, bà mạnh dạn kéo nó về nhưng không nỗi giận. Với tâm kiên nhẫn như thế, chúng ta sẽ không đập phá, tức giận khi không định tâm được trong lúc quán niệm hơi thở (anapanasati). Thay vào đó, chúng ta sẽ có thêm trí tuệ và kiên nhẫn qua cách ứng xử kiên nhẫn và có trí tuệ đối hơi thở mong manh và dường như là vô nghĩa của chúng ta.
Chúng ta có thể mong cầu là sẽ ngồi thiền giống như hình ảnh của Đức Phật, ngồi cao trên tòa sen, ánh sáng tỏa khắp châu thân, và có thể ngồi hàng giờ trong tư thế kiết già tuyệt đẹp. Cách thể hiện tư thế thiền như thế quả thật là hấp dẫn. Nhưng trong đạo Phật, ý nghĩa khiêm hạ của việc hành thiền là tự nó, nó không là cái gì đặc biệt cả, và theo tiêu chuẩn của thế gian nầy, nó cũng không có gì đáng được chú ý. Nó không phải là cái mà người đời sẽ đưa lên báo với cái tựa lớn: "Đại đức Sumedho chánh niệm trên hơi thở vào lúc 8 giờ sáng ngày hôm nay!" Nhưng theo tôi, tin về một người chánh niệm trên hơi thở quả thật là tốt lành, tốt lành hơn hầu hết các tin được đưa lên hàng đầu trên các báo.
HÃY KIÊN NHẪN VỚI SỰ NHÀM CHÁN
Trong thiền quán niệm hơi thở (anapanasati), không có phần nào của hơi thở là dễ chịu hơn phần nào, vì thế chúng ta có thể quán sát hơi thở một cách trung lập. Chúng ta thường thích những kinh nghiệm hấp dẫn và độc đáo: chúng ta thích sự vui nhộn đầy kích thích và trốn tránh sự nhàm chán. Nhưng rồi sự kích thích sẽ làm chúng ta nhàm chán vì không gì có thể mãi mãi hấp dẫn và kích thích con người. Một hơi thở vào có thể làm chúng ta vui thú và phấn chấn -- nhưng nó có giới hạn. Nó chỉ có thể kích thích chúng ta trong một thời gian nào đó thôi, và sau đó nó trở nên nhàm chán. Khi cuộcđời trở nên nhàm chán, chúng ta sẽ làm gì? Người bình thường sẽ đi tìm một cái gì khác vui nhộn và kích thích hơn, như một mối tình lãng mạn chẳng hạn.
Qua tất cả thời kỳ lịch sử, biết bao nhiêu chuyện tình yêu đã được sáng tác chỉ vì tình yêu là cái gì rất hấp dẫn và kích thích con người. Nhưng tình yêu cũng vô thường; nó có đời sống của riêng nó -- giống như hơi thở vào của chúng ta vậy. Sau khi đạt đến đỉnh cao, nó sẽ mất đi ngọn lửa nồng cháy.Những gì đã một thời là tình yêu cháy bỏng sẽ trở nên nguội lạnh và nhàm chán và chúng ta tự hỏi, "Cái gì đã lấy đi sự mầu nhiệm của tình yêu? Sự mầu nhiệm của tình yêu đã đi đâu mất rồi?" Chúng ta cho là mình có thể tìm lại được sự mầu nhiệm nầy nên chạy đi tìm một người khác để yêu thương vì không ai có thể hai lần yêu một người. Vì thế trên thế gian nầy, có những người suốt đời cứ chạy đi tìm hết tình yêu nầy đến tình yêu khác. Đây là việc làm không có trí tuệ chút nào, phải không các bạn?
Có những người khác thì đi tìm sự kích thích và hấp dẫn trong những cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm. Họ đi bộ đến vùng Bắc cực giá băng hay trèo lên đỉnh Everest cao nhất của dãy Hy Mã Lạp Sơn -- đây là những việc mà người bình thường không dám làm. Họ có thể thích thú về những cuộc phiêu lưu nầy trong một thời gian nhưng sau đó lại trở nên nhàm chán.
Xin bạn hãy ghi nhận đây là quy luật tự nhiên: Sự kích thích không thể có nếu không đi kèm với sự nhàm chán -- cái nầy là điều kiện tạo ra cái kia. Và điều nầy có nghĩa là bạn phải tập kiên nhẫn khi những gì kích thích và hấp dẫn trở nên nhàm chán.
HÃY KIÊN NHẪN VỚI SỰ THẤT VỌNG
Đôi khi có người đến thiền viện với tâm đạo thật nhiệt thành và phấn chấn, và nói là họ muốn dâng hiến cả cuộc đời cho giáo pháp. Nhưng các bạn đó nên coi chừng -- vị nào mà quá nhiệt thành và phấn chấn không chóng thì chầy sẽ trở nên thất vọng và chán nản. Việc hành thiền sẽ rất dễ dàng khi bạn có đầy nhiệt tâm và cảm phục đối với vị sư hướng dẫn; nhưng khi bạn tiếp tục tu tập sâu hơn, việc hành thiền sẽ trở nên đơn điệu và nhàm chán. Lúc đầu, bạn cố gắng sắp xếp cuộc sống để dành nhiều thời gian hơn cho việc thiền tập, nhưng sau đó bạn sẽ thấy chính bạn là người sửa lại nếp sống để dành ít thời gian hơn cho việc hành thiền. Dĩ nhiên, chúng ta ai cũng luôn có những việc quan trọng phải làm trong đời, nhưng lúc đó, điều thật sự xảy ra là việc hành thiền mà đã một thời hấp dẫn và lý thúđang trở nên nhàm chán. Và chúng ta tìm cách trốn tránh khỏi tình trạng nhàm chán nầy.
Các tăng ni đã từng sống trong Tăng đoàn đều trải qua thời kỳ chán nản và thất vọng nầy. Nhưng một trong những thuận lợi của các tăng ni là bạn không thể dễ dàng rời khỏi tăng đoàn. Và vì ít nhiều dấn thân với việc tu tập hơn nên khi thật sự chán ngấy với mọi việc, bạn có khả năng chịu đựng nhiều hơn.Trong Tăng đoàn hay thiền viện, có những nhân tố thuận lợi có thể giúp duy trì và giữ bạn lại hành thiền cho đến khi bạn hiểu được giai đoạn "thở ra" của cuộc đời -- giai đoạn nhàm chán, thất vọng, và thậm chí tuyệt vọng. Từ góc độ đó, bạn sẽ bắt đầu có tuệ giác và hiểu được con đường đi ra khỏi khổ đau.
Chỉ khi nào sẵn sàng chịu đựng sự thất vọng và tuyệt vọng, bạn mới có thể thật sự thấy và biết. Nếu lầm lạc nghĩ là, "Tôi không tin vào phương pháp hành thiền nầy nữa," bỏ đi và chạy theo một phương pháp thiền hay ho thú vị khác hay một tôn giáo khác, bạn sẽ đi loanh quanh. Bạn sẽ đi từ vị sư nầy đến vị sư khác, từ phương pháp thiền nầy đến phương pháp thiền khác. Đời sống của bạn có thể đầy thích thú và phấn khởi, bạn có thể rất hăng hái và phấn chấn -- nhưng rồi những gì sẽ xảy ra? Nó cũng sẽ trở nên nhàm chán và buồn thảm.
Nếu bạn thật sự nghiêm túc muốn phát triển trí tuệ, thì trong lúc hành thiền, bạn sẽ thấy là sự nhàm chán chỉ kéo dài trong một thời gian nào đó thôi. Nó không phải là một cái gì trường tồn, mặc dù khi không còn hứng thú và tin tưởng nữa, bạn sẽ cảm thấy sự nhàm chán như đang kéo dài vô tận. Nhưngđó chỉ là cái vẻ bề ngoài của nó thôi, nó hình như là như thế. Khi bạn xuống tinh thần và thất vọng, mọi vật đều có vẻ tuyệt vọng và bạn không thể nào tưởng tượng được là mình sẽ tìm lại hạnh phúc. Nếu không có trí tuệ để hiểu được bản chất của sự chán nản tuyệt vọng, bạn sẽ phán đoán theo những diễn biến bên ngoài của hoàn cảnh lúc đó. Những gì chúng ta yêu thích sao mà đi qua quá nhanh, còn những gì chúng ta không thích thì hình như kéo dài vô tận. Nhưng chúng ta vẫn có thể học được điều gì đó từ những nhận thức nầy. Chúng ta quán sát những biểu hiện bên ngoài của các pháp, nhưng chúng ta vẫn sáng suốt không bị mê lầm bởi những biểu hiện bên ngoài của thế giới cảm giác mà chúng ta đang sống và thể nghiệm.
Tuệ giác chỉ có thể có được khi chúng ta hành thiền và quán sát những gì đang thật sự xảy ra trong cuộc sống của chính chúng ta. Chúng ta phải học tập về những gì đang xảy ra trong cuộc sống -- cho dù đây là một quá trình gian khổ và đau đớn -- cho chính chúng ta, giống như chúng ta tập đi bằng những cái té ngã đau điếng. Trẻ con không thể tự nhiên mà đi được. Chúng phải tập đi bằng cách bò, vịn vào tường hoặc bàn ghế, tự mình đứng dậy, té xuống, và tự mình đứng dậy lại. Trong hành thiền cũng y hệt như thế. Bạn phát triển trí tuệ bằng cách quán sát vô minh -- xuyên qua một quá trình phạm những sai lầm, hãy quán tưởng và học hỏi từ những sai lầm, và lại kiên trì tiếp tục.
Khi nghĩ về điều nầy, bạn sẽ nói, "Ôi! Tôi sẽ không bao giờ hành thiền tiến bộ được." Nếu nghĩ nhiều như thế, bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng và cho là mình sẽ không bao giờ làm được. Có lẽ vì thế mà trẻ con tập đi được. Trẻ con may mắn hơn vì chúng không suy nghĩ nhiều như chúng ta; vì nếu trẻ con mà suy nghĩ nhiều như chúng ta, chắc chúng sẽ không bao giờ tập đi được. Trong hành thiền cũng thế: đôi lúc mọi việc hình như là tuyệt vọng. Nhưng đó chỉ là cái hình như hay cái vẻ bề ngoài của vấn đề khi bạn nghĩ về nó. Vì thế bạn hãy kiên nhẫn tiếp tục hành thiền -- nhất là trong những lúc thất vọng và khi thất vọng, bạn lại cần phải cố gắng tinh tấn hành thiền nhiều hơn nữa.
LUYỆN TÂM TRONG CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY
Trong thiền viện, có những thời khóa dành riêng cho việc hành thiền -- vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Giữa hai thời khóa nầy, chúng tôi có những Phật sự khác phải làm, vì thế đời sống chúng tôi được tổ chức theo một trật tự ổn định nào đó. Nhưng cũng có những lúc chúng tôi không có gì hết để làm. Những lúc đó, tôi đã thường tìm cách trốn tránh hành thiền bằng cách đi tìm một cái gì đó để làm như đọc sách chẳng hạn. Đọc sách là một hoạt động tốt; chúng ta rất dễ chú tâm vào một quyển sách. Nhưng sau đó, tôi đổi thái độ. Tôi tập quán niệm hơi thở khi không có việc gì để làm -- ngay cả khi tôi muốn uống trà hay trò chuyện hay làm một cái gì đó, tôi cũng tập quán niệm hơi thở. Đây là một cách để thu thúc, huân tập và đưa việc hành thiền vào trong cuộc sống hàng ngày thay vì chỉ hành thiền theo một thời khóa định sẵn trong một khung cảnh được dàn dựng đặc biệt cho việc hành thiền.
Quán niệm hơi thở cũng rất hữu ích cho chúng ta khi cuộc sống bị bận rộn và quá nhiều áp lực của công việc. Đôi khi trong đời, nhiều việc ập đến với chúng ta cùng một lúc. Chúng ta bắt buộc phải giải quyết những vấn đề nầy và vì thế trở nên vô cùng bực bội. Do đó, khi cuộc sống trở nên khó khăn và phức tạp, bạn hãy nhín chút thì giờ để quán niệm hơi thở (anapanasati). Bạn hãy cố gắng nhìn rõ mọi việc thay vì chỉ biết bực bội và bấn loạn phản ứng lại những hoàn cảnh khó khăn. Dựa trên kinh nghiệm riêng, khi gặp khó khăn, tôi chuyển sang quán niệm hơi thở khoảng mười phút, và sau đó tôi có thể thấy mọi việc mới mẻ và khác hẳn ra. Vì thế tôi không bị cuốn hút vào những biểu hiện bên ngoài của sự vật và lạc mất trong sự bấn loạn. Tôi luôn nhìn rõ các pháp chung quanh mình, và biết cách chịu đựng và ứng xử trước những hoàn cảnh khác nhau.
Đây chính là cách luyện tâm. Hơi thở là đối tượng luôn luôn có mặt để chúng ta quán sát. Thay vì đinghe nhạc hay tìm đọc một quyển sách, bạn hãy trở về với chính thân thể của bạn. Bạn tập trung quán niệm trên một cái gì đó gần gũi và kề sát bên bạn thay vì ở xa xôi tận đâu đâu. Rồi khi tâm bạn đãđịnh, tâm chánh niệm trên hơi thở sẽ đi sâu hơn vào cảnh giới tịch tĩnh và yên lặng của tâm. Bạn sẽ chứng nghiệm được sự rỗng không (tiếng Pali là sunnata.) Bạn có thể thật sự lắng nghe được sự tịch lặng của tâm. Và khi chứng nghiệm được điều nầy, bạn có thể hướng tâm về cái trống không -- về pháp vô vi hay pháp không điều kiện -- thay vì hướng đến hơi thở hay những điều kiện khác đang sinh khởi trong tâm.
HÃY THẤY CÁC PHÁP NHƯ NÓ ĐANG XẢY DIỄN
Trong đạo Phật, chúng ta hành thiền để thấy các pháp thật sự như nó đang xảy diễn. Đó là việc học và hiểu được bản chất của thế giới tự nhiên bằng cách chứng ngộ trực tiếp. Đó không phải là học và hiểu thế giới tự nhiên bằng những lý thuyết trong sách vở hay qua tư tưởng của một vị nào đó. Đó là quá trình xem xét và học hỏi trực tiếp -- bằng cách quan sát và lắng nghe. Trong các trường đại học, bạn làm rối rắm mọi việc bằng cách học đủ loại vấn đề, nhưng trong thiền định, bạn đơn giản mọi việc.Bạn chỉ quán sát mọi việc như nó đang xảy diễn.
Khi quán niệm hơi thở (anapanasati), bạn thấy hơi thở sinh rồi diệt, và hơi thở vào là điều kiện cho hơi thở ra. Nhưng không phải chỉ có thế thôi. Có sự "thấy biết" hơi thở; có tâm sở mà chúng ta gọi là tâm chánh niệm. Và chúng ta dùng "cái tâm thấy biết" hay tâm chánh niệm nầy để thấy biết những gìđang xảy ra -- tức là để thấy các pháp điều kiện và các pháp không điều kiện. Đây là con đường giúp chúng ta vượt qua và đi lên trên tất cả, con đường của sự tỉnh thức, chứ không phải con đường trốn tránh cuộc đời. Con đường nầy dựa trên những tư thế rất bình thường của thân thể như ngồi, đi, và nằm, và quan trọng hơn cả, trên hơi thở hết sức bình thường của chúng ta.
Trong đạo Phật, chúng ta hành thiền để gặp hay thấy được cái bình thường nhất -- đó là pháp không điều kiện hay pháp vô vi. Các pháp điều kiện hay pháp hữu vi là cái gì không bình thường; chúng là những hiện tượng có tính kích động và hấp dẫn, đôi khi rất hoang tưởng và không thật. Nhưng sự thanh tịnh của tâm, các pháp không điều kiện và sự yên lặng của nó là cái rất bình thường, hết sức bình thường đến nỗi chúng ta không ai có thể nghi nhận được nó. Nó luôn có mặt ở đó nhưng chúng ta vẫn không hay biết vì chúng ta luôn bị lôi cuốn và hấp dẫn bởi những gì mầu nhiệm và khác thường, bởi những gì vô thường và chóng qua nhưng lại có khả năng kích động và ức chế chúng ta. Chúng ta bị kẹt trong cái biểu hiện bề ngoài của vạn pháp và quên đi các pháp không điều kiện. Trong khi hành thiền, chúng ta trở về với sự tĩnh lặng nhưng là một sự tĩnh lặng có khả năng "thấy và biết." Và rồi với sự tĩnh lặng "thấy và biết" nầy, chúng ta sẽ hiểu được cuộc sống như chính nó, và sẽ không còn bị mê lầm về cuộc sống nầy nữa. Chúng ta có thể sống và hành động ứng xử mà không còn bị chế ngự và đè bẹp bởi những pháp điều kiện của thế gian nầy.
*
Câu hỏiTrong cuộc sống, tôi luôn bận rộn. Khi đi làm về nhà, tôi thấy không còn đủ sức để làm thêm việc gì nữa. Tâm tôi đi loanh quanh và đầu óc tôi quay mòng mòng. Tôi nghĩ mình không thể hành thiền được, vì khi ngồi xuống hành thiền thì tâm tôi hoặc đi lang thang, nghĩ hết việc nầy đến việc nọ hoặc buồn ngủ. Thế thì tôi phải làm gì để có thể hành thiền khi tâm bị tán loạn vào cuối một ngày làm việc như thế?
Trả lời: Xin bạn hãy xem hành thiền là ghi nhận sự vật như nó đang xảy diễn tại đây và ngay bây giờ. Công phu hành thiền luôn luôn bắt đầu với sự ghi nhận là bạn đang ở đâu trong giây phút hiện tại, do đó nếu tâm bạn đang lao xao lộn xộn vào cuối một ngày làm việc, bạn chỉ cần ghi nhận là tâm bạnđang lao xao lộn xộn. Hãy ghi nhận cảm giác khó chịu và bực bội khi bạn không muốn thấy cái tâm bấn loạn của mình. Đó là cách hành thiền đúng đắn. Với thái độ nầy, bạn sẽ thấy hành thiền là rất hữu ích.
Khi trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả và căng thẳng, nếu muốn đè bẹp và ngăn chận tất cả những phản ứng của tâm, chắc chắn bạn sẽ thất bại, và rồi bạn sẽ cảm thấy là bạn không thể nào hành thiền được. Tuy nhiên, thay vì phản ứng như thế, bạn hãy hành thiền trên tình trạng bấn loạn của tâm. Bạn hãy biến cảm giác bấn loạn hay tư tưởng bất lực trong việc hành thiền thành đối tượng quán sát.Bạn chỉ cần thấy là những tình cảm và tư tưởng nầy đang trở thành đối tượng trong tâm của bạn, và bạn đang trở thành nhân chứng của những đối tượng nầy. Nếu bạn bối rối và bấn loạn, hãy tập chấp nhận nó hoàn toàn. Hãy biến nó thành đối tượng để quán sát thay vì chống cự lại hay tìm cách xoa dịu hoặc làm nó vi tế hơn.
Đa phần cuộc sống của chúng ta là đầy dẫy những tranh chấp và giành giật hỗn loạn; Đời sống của con người là như thế. Nhiều việc sẽ xảy đến với chúng ta cùng một lúc và phần nhiều là những việc khó chịu không vừa lòng. Chúng ta làm được gì bây giờ? Có phải điều nầy có nghĩa là chúng ta không thể hành thiền được? Hay nó có nghĩa là chúng ta có thể biến những gai góc nầy của cuộc đời thành những phương tiện giúp chúng ta hành thiền thay vì tiếp tục xem chúng là những chướng ngại.
Nếu bạn dành quá nhiều thì giờ suy nghĩ về việc làm thế nào để hành thiền tốt và về những điều kiện cần thiết bảo đãm cho việc hành thiền tốt đẹp, thì khi những điều kiện nầy không còn nữa, bạn sẽ có cảm giác là mình không thể nào hành thiền được. Vì thế bạn phải thay đổi cách nhìn, không nên cho rằng việc hành thiền chỉ tốt đẹp khi chúng ta hội đủ những điều kiện tốt đẹp, mà trái lại, bạn nên xem việc hành thiền như là một cách để liên hệ với cuộc đời như nó đang xảy diễn, như nó đang là chính nó -- cho dù lúc đó, cuộc đời là tốt đẹp nhất, xấu xa nhất, hay chỉ là cái rất giản dị và bình thường đối với chúng ta.

Ajahn Sumedho
Susanta Nguyễn dịch