Mùa Xuân Đầu Tiên

Xin mượn tên bài hát của cố nhạc sĩ lừng danh VĂN CAO để reo vui trong mùa Xuân Giáp Ngọ này!
Thuở nhỏ tôi đã có duyên với chùa, với đức Phật. Chùa BẢO SƠN quê tôi, ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đã có lịch sử trên 200 năm. Chùa trên núi cao, đường lên dốc đá,  thiên nhiên hoang dã hữu tình, ban đêm cọp về nằm sau chùa nghe kinh Phật mà không hề làm hại người. Khoảng 5, 6 tuổi tôi đã được tham dự một đại lễ Phật đản do Sư KẾ CHÂU (một đại lão Hòa thượng sau này trụ trì ở chùa THẬP THÁP, Bình Định) chủ trì thật lộng lẫy, rực rỡ ánh đèn cầy, đèn măng – xông, đuốc. Phật tử đến dự thật đông, chẳng riêng người trong xã. Lúc ấy tự nhiên tôi nảy ra ý muốn sau này mình sẽ trở thành nhà sư tại đây.

Cũng ở chùa này tôi đã rạo rực, ám ảnh  trước một cô bạn học cùng lớp thời tiểu học . Thời ấy, lớp 1, 2, 3, 4, 5  được gọi là lớp Năm, Bốn, Ba, Nhì, Nhất. Từ năm lớp Nhì tôi đã có tâm trạng nhớ nhung ,. . . si tình này:
               Tôi nhớ năm xưa trước cổng chùa
               Một người con gái dáng ngây thơ,
              (mười ba, chỉ mới hồng đôi má
              Chửa biết yêu đương, chẳng đợi chờ)
              Em theo cha mẹ vô chùa lễ
              Tôi đứng trông theo bỗng thẫn thờ!
Cô bạn ấy, má bầu bầu, da trắng lấm tấm tàn nhang, tóc dài mượt, mắt bồ câu buồn buồn,  được cha mẹ gởi vô chùa tu học để trở thành ni cô. Rồi chiến tranh ác liệt nổ ra, tôi phiêu bạt khắp nơi, giờ đây sau gần nửa thế kỉ tôi vẫn bặt vô âm tín bóng hồng!
Tôi học trung học ở trường Trung học Phan Bội Châu, Phan Thiết, ngôi trường đầy ắp kỉ niệm yêu thương với thầy và bạn. Thầy ÂN, một nhà sư, mặc áo dài, mang guốc gỗ, đội nón lá, đi xe đạp lên lớp dạy chúng tôi môn Sinh vật. Thầy còn là một cao thủ YOGA. Thầy dạy chúng tôi YOGA, THIỀN ĐỊNH từ năm lớp 9 (thời ấy gọi Đệ Tứ ) đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng chúng tôi.
Tôi trở thành thầy giáo làng, gõ đầu trẻ lớp 1, lớp 2 ở quê rồi gõ đầu trẻ lớp 4, lớp 5 ở phố núi. Khi trở thành giảng viên Cao đẳng và Đại học tôi luôn tâm nguyện là không ngừng tìm hiểu về đạo Phật, về Thiền. Học phần CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM tôi được giảng dạy từ năm 1996 khiến tôi phải cố gắng đọc sách, làm quen với các tôn giáo, nhất là Phật giáo. Tôi cũng hướng dẫn sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp, có hướng các em về Phật giáo, ví dụ đề tài: PHẬT GIÁO TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM. Giờ ngẫm lại mình hiểu biết về Phật giáo quá sơ sài, nông cạn, thậm chí những kiến thức sơ đẳng nhất cũng còn lơ mơ . . .
Thầy Nguyễn Hữu Đức chia sẻ trong buổi toạ đàm kỷ niệm 90 năm ngày sinh Tổ sư Minh Đăng Quang tại trung tâm Thiền Quang

Cuộc đời tôi, qua 60 năm nhìn lại, ít phút yên tĩnh, là do NGHIỆP, lại không biết và thực hành CHÁNH NIỆM nên hay xao động tâm hồn, lúc nhẹ nhất thì cũng thế này:
Hãy cho tôi yên tĩnh
Giữa cuộc đời bão giông
Sao cho tôi bình tĩnh
Vượt qua nhiều khoảng không!
Những lúc ấy tôi nghĩ đến Đức Phật, đến Quan Âm Bồ Tát là lòng dịu lại. Có lúc tuyệt vọng đến mức:
                                   Đừng khuyên tôi mang hòn đá nặng
                                   Cố leo lên tận đỉnh núi cao
                                   Dù phần thưởng kia vô giá
                                   Tôi cũng chẳng màng nào!

                                  Tôi muốn nằm
                                  Nghỉ ngơi bên chân núi
                                  Yên tĩnh dưới trời sao
                                  Mặc cuộc đời nhốn nháo!
Tôi có duyên được nhiều người tặng sách về Phật pháp: Đại đức Thích Tánh Bi / Thích Từ Tạng (em họ và cũng là bạn học thời thơ ấu), cô Đồng Phước (cô họ, ít tuổi hơn tôi, đã quy y và ăn chay trường hơn 20 năm), Hòa thượng Thích Giác Chí Viện chủ Tịnh xá Ngọc Thạnh- Buôn Ma Thuột (Sáng mùng 1, Tết Kỉ Sửu-2009 – Hòa thượng đã cho tôi pháp danh Thiện Tài và cuốn TÂM TĨNH LẶNG của ACHAN CHAH), Nguyên Toàn (tức Thu Nhung Mlo Duôn Du, Tiến sĩ Dân tộc học, cô bạn thân thiết, đã tặng ĐÁNH THỨC VỊ PHẬT ĐANG NGỦ, do cô dịch từ tiếng Anh). Và nhiều người đã tặng tôi thơ Thiền, tranh Thư pháp, đĩa Phật pháp . . .  Tôi càng siêng năng đi chùa, dự các sinh hoạt Phật giáo, . . .Tôi đã tràn trề hạnh phúc và ước ao mình sớm được HÀNH THIỀN trong rừng như ACHAN CHAH.
Cơ duyên đã tới: Sáng ngày 03/9/2013 (28/7/Quí Tỵ) tôi tới TRUNG TÂM THIỀN QUANG (nơi mà Sư GIÁC KIẾN gọi là PHƯƠNG THẢO AM hoặc Cốc PHƯƠNG THẢO) và được gặp Sư GIÁC KIẾN. Và tôi . . . thích Thầy ngay! Thích PHƯƠNG THẢO AM ngay! Và Sư đã tặng tôi 4 cuốn sách tuyệt vời, trong đó 1 cuốn sách Thầy dịch từ tiếng Anh – TOTOCHAN CÔ BÉ BÊN CỬA SỔ,  dưới bút danh PHONG LỆ.

Dù chỉ đến PHƯƠNG THẢO AM chưa tới 10 lần (do mới được nghỉ hưu nên tôi tranh thủ về quê vài chuyến, thăm bà con, bạn bè, ngao du sơn thủy nên không có mặt thường xuyên ở đây) tôi cũng đã được tham gia những sự kiện đầy ý nghĩa ở Thiền Quang như: Tưởng niệm Thiền sư GOENKA, Tưởng niệm Tổ sư MINH ĐĂNG QUANG, toạ đàm về Thiền (bài kệ về thiền của Trưởng lão GIÁC DŨNG). . .
Từ mùng 4 tới mùng 9 Tết Giáp Ngọ này tôi cùng gia đình du xuân ở Cam Ranh và Nha Trang. Lòng tôi thật bình an, hạnh phúc. Từ ngày đến PHƯƠNG THẢO AM, tôi thực hành Thiền đều đặn hơn, sáng ngủ dậy là nghĩ ngay tới Thiền, mọi hoạt động trong ngày đều cố gắng vận dụng Thiền . . . Buồn cười, sáng mùng 7 Tết, tôi ở  RESORT NHA TRANG, trong khi tắm bùn khoáng và bơi lội trong hồ nước khoáng ấm áp, vô cùng sảng khoái, nhìn mọi người quấn khăn tắm màu vàng tôi nảy ra ý tưởng THIỀN giữa đông người, THIỀN trong lúc tắm. Vậy là tôi ngồi THIỀN trên bờ hồ bơi, quấn khăn vàng như mảnh y của nhà sư, chụp ảnh. Sáng nay, Rằm tháng Giêng tôi tới PHƯƠNG THẢO AM, khoe Sư GIÁC KIẾN tấm ảnh ấy. Thầy cười:  “THIỆN TÀI giống đạo sĩ KỲ NA GIÁO!”
Tôi thật sự AN LẠC trong MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN này!

Phương thảo Am, Rằm tháng Giêng, Giáp Ngọ

Nguyễn Hữu Đức