Để thực hành
tâm xả, ta phải nhận ra được sự thích thú hay ghét bỏ ở chính mình, trước khi
chúng ta chấp nhận hay phủ nhận nó. Chúng ta rèn luyện để giữ được trạng thái
nhẹ nhàng và sử dụng những thành kiến của mình như là bước đệm để kết nối với sự
bối rối ở người khác. Cảm xúc mạnh mẽ sẽ có ích trong trường hợp này. Bất cứ điều
gì xảy ra, dù nó có tệ thế nào đi nữa, nó cũng có thể được sử dụng để mở rộng
tình thân của mình với người, những người cùng chịu đựng sân hận hay tham lam
như ta - những người, giống như ta, cùng bị kẹt trong niềm hi vọng và sự sợ
hãi. Đây là cách chúng ta nhận ra rằng mọi người đều cùng đi trên một con thuyền.
Tất cả chúng ta đều rất cần sự hiểu biết sâu sắc về điều đưa đến hạnh phúc và
điều dẫn đến khổ đau.
Chúng ta rất dễ
dàng liên tục rơi vào trạng thái tức giận và phẫn nộ, thậm chí sau nhiều năm
rèn luyện. Tuy nhiên, nếu ta có thể tiếp xúc được với tính hư ảo của tâm sân giận
hay bất cứ điều gì, thì một cái nhìn rộng lớn hơn sẽ xuất hiện. Ngay trong giây
phút ta chọn an trú theo các năng lượng tâm sinh khởi chứ không thể hiện nó ra
hay đàn áp nó, ta đang thực hành tâm xả, đang tập một cách nghĩ lớn hơn là chỉ
có biết đúng và sai. Đây là cách mà bốn tâm vô lượng – từ, bi, hỷ, xả phát triển,
từ giới hạn thành vô hạn hay vô lượng: chúng ta thực tập nắm bắt tâm cố chấp của
mình và cố gắng hết sức để làm cho tâm mình mềm mỏng hơn. Bằng cách làm dịu tâm
như vậy, mọi rào cản đều biến mất.