Nuôi dưỡng bốn tâm vô lượng

Có lần có một vị thầy đã nói với tôi rằng nếu tôi muốn đạt được hạnh phúc lâu dài thì cách duy nhất là phải bước ra khỏi cái kén cá nhân. Khi tôi hỏi vị ấy làm thế nào để mang hạnh phúc đến cho người khác, vị ấy trả lời: “Cùng cách như vậy”. Đây chính là lý do tôi nỗ lực hết mình thực hành bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷxả; cách tốt nhất để phục vụ cho chính mình là yêu thương và chăm sóc cho người khác. Bốn phẩm chất này là những công cụ đắc lực để phá hết thành vách dựng lên khổ đau của mọi loài.

Tốt nhất là chúng ta nên ngồi thiền trước và sau lúc thực hành bốn tâm vô lượng. Để bắt đầu, chúng ta chỉ việc bắt đầu từ nơi chúng ta đang đứng. Chúng ta kết nối với các nơi mà chúng ta có thể khởi tâm yêu thương, thương cảm, hoan hỷ và bình thản, dù vẫn còn có giới hạn. (Thậm chí bạn có thể tạo nguyên một danh sách những người hay những con vật bạn có thể hướng về và khởi tâm lành). Chúng ta tin tưởng rằng bản thân chúng ta và những người chúng ta yêu thương có thể cảm nhận được những tâm lành mà chúng ta đang thực hành. Sau đó, chúng ta dần dần mở rộng giới hạn phát khởi tâm lành đến các mối quan hệ rộng hơn.
Chúng ta có thể thực hành với ba bước đơn giản, sử dụng các từ ngữ từ trong kinh tụng Tứ Vô Lượng Tâm hoặc bất cứ từ ngữ nào có nghĩa. Đầu tiên chúng ta cầu mong cho chính mình được một trong bốn tâm vô lượng. “Mong cho tôi có thể tận hưởng tình yêu thương”. Sau đó, chúng ta mở rộng, cầu mong cho người ta yêu: Mong cho bạn có thể tận hưởng niềm yêu thương?” Sau đó chúng ta mở rộng mong muốn của chúng ta cho tất cả chúng sanh: “Mong sao tất cả chúng sanh đều tận hưởng niềm yêu thương”. Hoặc với tâm bi mẫn: “Mong cho tôi thoát khỏi khổ đau và gốc rễ của khổ đau. Mong cho bạn thoát khỏi khổ đau và gốc rễ của khổ đau. Mong cho tất cả chúng sanh thoát khỏi khổ đau và gốc rễ của khổ đau”. Để thực tập sâu hơn, chúng ta có thể sử dụng cách vận tâm gồm bảy phần (xem mục 35).
Bài tập thực hành vận tâm với bốn tâm vô lượng này tập cho chúng ta biết không níu giữ, thấy được những thành kiến của mình và không nuôi dưỡng chúng. Dần dần, chúng ta sẽ không còn sợ cảm giác bị đau khổ nữa. Đây là tất cả những gì chúng ta cần làm để giải quyết những khổ đau của cuộc đời, để mở rộng lòng từ, bi, hỷ, xả đến với tất cả mọi người – không có ngoại lệ.

PEMA CHODRON

THUỶ DUNG DỊCH