“Một
Chúng Sanh duy nhất, một Con Người phi thường, xuất hiện trong thế gian này, vì
lợi ích cho phần đông, vì hạnh phúc của phần đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp,
vì lợi ích và hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại”.[1]
Đứng
trên phương diện lịch sử thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là một “con người”
như bao con người khác
trên thế gian này. Sanh ra, lớn lên và nhập diệt theo tiến trình của vũ trụ
nhơn sanh. Điểm nổi bật nơi Ngài là một tâm hồn thánh thiện, một tấm lòng từ bi
vô hạn, một khát vọng tìm cầu chân lý vô biên...
Trong Ngài hội đủ những tố chất
của một bậc siêu phàm. Tất cả chúng sanh trong nhân thế từ xưa đến nay ai cũng
đã, đang và sẽ sanh ra rồi chết đi theo tiến trình thời gian. Điểm khác biệt
giữa giữa đức Phật và con người chúng ta, giữa Bậc giác ngộ và chúng sanh mê mờ
chính là sự tỉnh thức, giải thoát-giác ngộ. Có thể nói; sự kiện đản sanh của Thái
tử Tất-đạt-đa (Siddhattha) là một điềm triệu báo hiệu
một tin tức tốt lành, một tương lai rực rỡ cho vương quốc Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) nói riêng và xã hội Ấn Độ
nói chung; sự kiện Ngài từ bỏ mọi danh vọng của cuộc đời đi tìm chân lý là một
hành động phi thường của một tâm hồn quảng đại và một ý chí siêu
phàm; thì sự kiện
thành đạo của đức Phật chính là một sự thành tựu cao tột, là niềm vinh quang lớn
Ngài đã hiến tặng cho nhân loại. Sự giác ngộ, chứng đạt chân lý tối thượng của
Ngài là một sự kiện vô cùng trọng đại. Từ đây, mở ra một chương mới cho lịch sử
tư tưởng của nhân loại, một nguồn ánh sáng chân lý chiếu diệu trên cõi đời này.
Nhân kỷ niệm ngày Phật thành đạo, chúng ta ôn lại một vài sự kiện trong cuộc
đời minh triết của Ngài để cùng sách tấn, củng cố thêm niềm tin trên bước đường
tu tập.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nguyên là Thái tử Tất-đạt-đa của dòng họ Thích Ca (Sakyā). Ngài đản sanh trong một gia đình hoàng
tộc, cha Ngài là vua Tịnh Phạn (Suddhodana)
trị vì vương quốc Ca-tỳ-la-vệ,
mẹ Ngài là hoàng hậu Ma Da (Mahā Māyā).
Ngài
sanh ra trong một gia đình hoàng tộc và trưởng thành trong tình yêu thương rất
mực của vua cha và hoàng thân. Nhưng tấm lòng từ bi đối với chúng sanh vô hạn,
Ngài không tự thoả mãn và cho phép mình vui hưởng những lạc thú vương giả đó.
Ngài luôn trầm tư về nỗi khổ đau của
nhân thế, xót thương chúng sanh đang trầm luân trong biển khổ sanh tử. Một ngày
nọ, sau khi dạo bốn cửa thành và tận mắt chứng kiến những cảnh sanh, già, bệnh,
chết Thái tử đã quyết tâm rời bỏ hoàng cung, thoát ly đời sống thế tục để lên
đường tầm cầu chân lý. Từ một vị hoàng tử giàu sang, vinh hiển tột bực, Ngài đã
từ bỏ tất cả để trở thành nhà khất sĩ vân du trên hành trình thiên lý. Ngài tìm học đạo khắp chốn với những
bậc danh sư đương thời nhưng vẫn không thể
thành tựu mục tiêu tối hậu như Ngài đang tầm cầu, bởi vì tất cả đều chưa
thoát ra khỏi vòng luôn hồi sanh tử, vô minh, tham ái, chấp thủ vv.... Thế rồi
Ngài quyết định tìm một nơi thích hợp để tự thân hành trì và quán chiếu chân lý
nội tại. Trải qua sáu năm tu tập khổ
hạnh, thân chứng kinh nghiệm mọi phương pháp, ứng dụng mọi hình thức khổ hạnh
ép xác đến mức cùng cực, nhưng vẫn không thể tìm ra ánh sáng chân lý. Ngài đã
nhận chân chắc thật rằng lối tu khổ hạnh ép xác không thể đem lại kết quả như
mong đợi. Ngài nhận thấy rằng khổ hạnh chỉ làm giảm suy thân thể và mệt mỏi
tinh thần “không thể có một tinh thần minh mẫn trong một thân xác tiều tuỵ” nên
Ngài liền dứt khoát từ bỏ lối tu ấy.
Quyết
định trở lại con đường Trung đạo, Ngài rời khỏi Khổ hạnh lâm (Dugheswari)[2] và hướng về một nơi u tịch cách đó không xa.
Ngài chọn cội bồ đề (Bodhi-tree) làm nơi tỉnh toạ. Trước khi thiền toạ Ngài đã
phát đại thệ nguyện rằng: “nếu không chứng đắc
Bồ-đề vô thượng, dầu cho thịt nát xương tan, ta quyết không rời chỗ này”[3].
Trải
qua 49 ngày đêm thiền định dưới cội bồ đề, kết quả Ngài đã chiến thắng nội và
ngoại ma, chứng được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vào đêm cuối cùng
Ngài tuần tự chứng nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Khi nhập vào trạng thái thiền, tâm Ngài trở
nên lắng dịu, tịch tịnh hoàn toàn, trong sáng như mặt gương trong suốt. Rồi tư
tưởng trở nên lắng dịu, tinh khiết, vắng lặng, không còn ô nhiễm và không thể chuyển
lay. Ngài hướng tâm về tuệ giác có liên quan đến trạng thái “Hồi nhớ những kiếp
quá khứ” chứng nhập Túc mạng minh (Pubbe-nivāsānussati
Nāna)[4]. Túc mạng minh là
loại trí mà từ đó Ngài biết rõ vô số kiếp sống của Ngài trong quá khứ với tất
cả mọi chi tiết về danh xưng, chủng tộc, dòng họ, thọ mạng, và ngay đến cả việc
thọ dụng thực phẩm, những cảm thọ sanh khởi, v.v… Như thế ấy, Ngài quán chiếu và thông
rõ cách thức tái sanh và chi tiết về những kiếp sống quá khứ. Ðó là tuệ giác
đầu tiên, Ngài chứng nhập Túc mạng minh vào lúc canh một.
Sau
khi phá tan màn vô minh có liên quan đến qúa khứ, Ngài hướng tâm thanh tịnh về
“sự tri giác hiện tượng diệt và sanh của chúng sanh”, chứng nhập Thiên nhãn minh
(Cutūpapāta Nana)[5]. Thiên nhãn minh là
trí tuệ thẩm thấu, tuệ tri rõ hành nghiệp nhân quả trong vòng sanh tử của tất
cả chúng sanh. Với tuệ giác này, đức Phật cũng thấy được những sự việc đang
diễn ra cách Ngài rất xa, không còn bị ngăn cản bởi khái niệm thời gian và
không gian. Ngài
thấy rõ chúng sanh đang trồi hụp trong vòng lục đạo từ kiếp này sang kiếp khác.
Như vậy, với Thiên nhãn minh, Ngài như thật thấy biết tình trạng hợp-tan,
sanh-diệt của chúng sanh trong ba cõi sáu đường. Ngài chứng Thiên nhãn minh vào
lúc canh hai.
Sau khi phá tan lớp vô minh có liên
quan đến tương lai, Ngài hướng tâm thanh tịnh về “Tuệ hiểu biết sự chấm dứt các
pháp trầm luân”[6]. Với tuệ quán, Ngài nhận biết: “Đây là Phiền
Não”, “Đây là sự Chấm Dứt Phiền Não”. “Đây là Con Đường dẫn đến sự chấm dứt Phiền
Não”. Với tuệ tri
như vậy tâm Ngài giải thoát hoàn toàn khỏi các phiền trược. Ngài biết rằng: “Ta đã được giải thoát” và
Ngài nhận thức: “Sanh
đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có
đời sống khác nữa”.[7] Đây là tuệ giác thứ ba, Lậu tận minh
mà Ngài chứng ngộ trong canh ba, lúc sao mai vừa mọc. Từ đây màn vô minh bị xua
tan và đèn trí tuệ rực sáng.
Lậu tận minh chính
là trí tuệ viên mãn, có khả năng đoạn trừ mọi phiền não nhiễm ô, chặt đứt mọi
xiềng xích của tham ái - vô minh, thành tựu sự giác ngộ và giải thoát toàn
triệt. Khi thành tựu tuệ trí này, hành giả trực nhận được nguyên lý Tứ thánh đế
cũng như nguồn gốc, nguyên nhân và con đường đưa đến sự đoạn tận các lậu hoặc,
khổ đau. Khi đó “tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát
khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết:
Ta đã giải thoát. Vị ấy biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã
làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa”.[8] Trong ba loại minh này, hai loại minh đầu giúp cho hành giả
thấu hiểu mọi sự thật về nguyên lý nghiệp và tái sanh, trong khi đó loại minh
sau cùng chính là sự chuyển hóa tâm thức toàn triệt, rốt ráo.
Từ đây, đức Phật đã xác chứng sự giác ngộ của mình qua lời
tuyên thuyết đầu tiên ngay sau khi thành đạo.
“Lang
thang bao kiếp sống
Ta
tìm nhưng chẳng gặp,
Người
xây dựng nhà này,
Khổ
thay, phải tái sanh.”
(Kinh Pháp cú 153).
“Ôi
! Người làm nhà kia
Nay
ta đã thấy ngươi !
Ngươi
không làm nhà nữa.
Đòn
tay ngươi bị gẫy,
Kèo
cột ngươi bị tan
Tâm
ta đạt tịch diệt,
(Kinh Pháp cú 154).
“Gương sáng
là để soi hình”. Qua sự giác ngộ - thành đạo của đức Phật cho chúng ta có niềm
tin rằng; sở dĩ con người đau khổ là do vô minh và chấp thủ. Nếu tự thân mỗi
chúng ta nỗ lực tu tập, hành trì theo những gì Thế tôn đã tuyên thuyết thì nhất
định sẽ vượt thoát được con đường tử sinh, giải thoát khỏi mọi phiền trược khổ
đau trên cõi đời này.
TK. Minh Duy.
[1]
Tăng Chi Bộ Kinh, phần I. XIII, tr. 22, bản dịch của HT. Thích Minh Châu.
[2]
Nơi Ngài trải qua sáu năm khổ hạnh.
[3]
“Ngã kim nhược bất
chứng, vô thượng đại Bồ-đề, ninh khả toái thị thân, chung bất khởi thử toà.”
Phương quảng đại trang nghiêm kinh, q. 8, tr. 588.
[5]
Sđd.
[6]
Đức Phật và Phật Pháp, tr. 52.
[7]
Trường bộ I, Kinh Sa môn quả,
bản dịch của HT. Thích
Minh Châu.
[8]
Sđd.