3. Những nguy hiểm trong cuộc sống nói chung

A. Phương diện khách quan

Những nguy hiểm chúng ta phải đối đầu thật ra nhiều hơn những gì chúng ta vừa thảo luận. 
Trên cả những tai họa và những bất hạnh trong cuộc sống hiện tại và nguy cơ rơi vào các cảnh giới khổ trong tương lai, còn có nguy hiểm căn bản hơn chi phối toàn bộ cuộc sống, đó là khổ mang tính bản chất của vòng luân hồi. Vòng luân hồi do hữu, sanh, lão tử tạo thành và nó vận hành từ vô thỉ. Tái sanh không chỉ diễn ra một lần mà đưa đến sanh tử liên tục trong các kiếp sống tiếp theo. Cuộc sống cứ lặp đi lặp lại theo một quy trình tương tự: mỗi kiếp sống đi qua đưa đến già, chết, rồi chết lại đưa đến một cuộc sống mới. Tái sanh có thể vào cảnh giới vui hay khổ, nhưng bất cứ ở đâu, vòng xoay của bánh xe luân hồi không có sự dừng nghỉ dù chỉ trong giây lát. Định luật vô thường bao trùm mọi lĩnh vực trong đời sống của mọi chúng hữu tình; những gì có sanh cuối cùng phải bị hoại diệt. Ngay cả các cõi trời cũng không thoát ra khỏi sự chi phối của định luật này. Khi phước báo cõi trời hết, cuộc sống cũng chấm dứt tại đấy và trở lại tái sanh ở một cảnh giới khác, có thể ở các cõi khổ.

Dưới mắt của người trí, vô thường bao trùm mọi hình thức sống là bản chất của khổ. Không có sự nương tựa hay tin tưởng nào có thể vượt ra khỏi bản chất biến hoại của cuộc sống. Những gì chúng ta tìm cầu và coi đó là tiện nghi, là niềm vui thì thực chất là trá hình của đau khổ; những gì chúng ta nương tựa tìm cầu sự an ổn thì thật sự mang bản chất nguy hiểm. Liệu chúng ta biết nương vào đâu để tìm được nơi che chở an ổn? Tất cả những gì chúng ta muốn nắm giữ đều vuột khỏi tầm tay, vĩnh viễn như thế, chúng phải tan hoại. “thế giới vỡ tan, thế giới vỡ tan, do đó mới gọi là thế giới”.

Tuổi trẻ đưa đến già nua, sức khỏe đưa đến bệnh tật, sống đưa đến chết. Mọi cuộc hội ngộ kết thúc với phân ly, và đau khổ đi theo sau sự phân ly ấy. Tuy nhiên, để hiểu vấn đề sâu sắc và toàn diện, chúng ta phải nhân lên đến vô biên. Từ vô thỉ, chúng ta đã trôi lăn trong trong vòng sanh tử luân hồi, luẩn quẩn chịu đựng không biết bao lần với sanh, già, bệnh và chết, chia lìa mất mát, thất bại khổ đau. Biết bao lần chúng ta ra vào cảnh giới khổ đau, biết bao kiếp chúng ta đã từng là súc sanh, quỷ đói và chui vào địa ngục đớn đau. Khổ đau, bạo lực, ưu não, sầu bi…cứ thế, cứ thế không biết bao nhiêu lần chúng ta kinh qua các cảm giác này rồi. Đức Phật dạy rằng nước mắt và máu chúng sanh trong vòng luân hồi vô tận này còn nhiều hơn nước ngoài đại dương. Xương chúng sanh chất thành từng đống cao hơn cả dãy Hy mã lạp sơn. Chúng ta đã đối mặt với khổ đau trong vô lượng vô biên kiếp ở quá khứ, và khi những nguyên nhân tạo nên vòng sanh tử luân hồi chưa cắt đứt thì chúng ta đứng trước nguy cơ tiếp tục chịu khổ còn hơn nữa trong vòng luân hồi như thế ở tương lai.

Bhikkhu Bodhi
Ngọc An dịch