2. Những nguy hiểm trong đời sống tương lai (b)

B. Phương diện chủ quan

Không ai khác có thể hộ trì chúng ta khỏi rơi vào các cảnh giới khổ. Điều này chỉ thành tựu được khi tránh những nguyên nhân đưa đến các cảnh giới tái sanh đầy khổ đau . Nguyên nhân dắt dẫn chúng ta tái sanh về một cảnh giới nào đó là do nghiệp, đó là những hành động có tác ý của chúng ta. Nghiệp chia làm hai loại, thiện nghiệp và bất thiện nghiệp. Thiện nghiệp do động cơ vô tham, vô sân và vô si chi phối, ngược lại, bất thiện nghiệp do các động cơ tham, sân và si thúc đẩy. Hai loại nghiệp này đưa đẩy chúng sanh đi tái sanh theo hai hướng: thiện nghiệp đưa chúng sanh tái sanh về các thiện thú, ác nghiệp dắt chúng sanh đến các ác thú.


Chúng ta không thể nào xóa bỏ đi các cảnh giới khổ đau; các cõi này tiếp tục tồn tại vì thế giới tồn tại. Để tránh tái sanh về các cảnh giới này, chúng ta nên quán sát bản thân mình, bằng cách điều phục các hành nghiệp của mình, không tạo các ác nghiệp để khỏi lao mình vào cảnh giới khổ đau. Tuy nhiên, để tránh tạo các ác nghiệp, chúng ta cần sự giúp đỡ với hai lý do chủ yếu.

Thứ nhất, con đường tạo nghiệp mở ra trước mắt chúng ta rất đa dạng và vô số, chúng ta thường không biết ngả nào mà đi. Một số hành động có thể phân biệt thiện, ác dễ dàng nhưng có một số không thể thẩm định được. Chúng ta sẽ rơi vào tình trạng bối rối khi gặp phải tình huống như vậy. Để có thể chọn lựa đúng, chúng ta cần sự hướng dẫn – những lời hướng dẫn rõ ràng phải từ một người biết giá trị đạo đức của các hành nghiệp và những con đường đưa đến các cảnh giới khác nhau.

Nguyên nhân thứ hai chúng ta cần sự giúp đỡ vì ngay cả khi chúng ta có thể phân biệt được đúng và sai, chúng ta vẫn bị bản năng xúi giục lao vào làm việc quấy ác sai lầm mà bỏ đi việc tốt. Hành động không phải luôn luôn đi theo quyết định sáng suốt của mình. Chúng thường bị động cơ ham muốn thúc đẩy một cách sai lầm mà chúng ta không thể kiềm chế được. Bị thúc đẩy như vậy, chúng ta cứ lao đầu vào làm những việc hại mình, biết vậy mà vẫn cứ phải bó tay nhìn mình hành động ngu xuẩn như thế. Chỉ khi nào có được trí tuệ cao hơn, chúng ta mới có thể làm chủ được tâm mình, kiềm chế các hành động. Điều này đòi hỏi phải có nguyên tắc. Để tiếp thu được những nguyên tắc đúng đắn chúng ta cần sự hướng dẫn của người nào có khả năng hiểu được quá trình vận hành vi tế của tâm và có thể dạy chúng ta cách điều phục những động cơ do bản năng chi phối khiến chúng ta lao vào tạo nghiệp ác hại mình. Bởi vì những hướng dẫn này và người lập ra chúng sẽ cho chúng ta nơi nương tựa để hộ trì các khổ đau và tổn hại trong tương lai, chúng ta nên coi đó là nơi nương tựa thật sự cho chúng ta.

Đây là nguyên nhân thứ hai để chúng ta quy y – cần làm chủ tâm mình, điều phục những hành động xấu để tránh rơi vào các cảnh giới khổ trong tương lai.

Bhikkhu Bodhi
Ngọc An dịch